Cận cảnh tuyến đê La Giang ở Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường.
Đê La Giang nằm ở bờ hữu sông La dài 19,2km, đi qua thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tuyến đê được xây dựng từ năm 1934, thi công qua nhiều giai đoạn với hình thức đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng bằng thủ công và cơ giới.
Tuyến đê được phân cấp quản lý theo địa giới hành chính và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh trực tiếp quản lý 7 cống dưới đê. Trong ảnh là đoạn đê giao cắt với Quốc lộ 1 ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh.
Trong 19,2 km chiều dài của đê La Giang có hơn 12 km đã được bê tông hóa, còn lại chưa được gia cố.
Trên tuyến đê La Giang có 2 loại nền đê đặc trưng là đoạn đê nền cát có hệ số thấm lớn và đoạn đê có nền đất mềm yếu.
Toàn tuyến đê La Giang có 8 cống dưới đê, trong đó có 4 cống tưới kết hợp tiêu và 4 cống trạm bơm qua đê. Trong ảnh là cống Trung Lương ở phường Trung Lương được xây dựng mới năm 2.000 với quy mô cống 1 cửa, hệ thống đóng mở được vận hành bằng tời điện 10 tấn.
Tuyến đê La Giang bảo vệ an toàn cho hơn 300.000 người dân và hơn 48.000 ha đất canh tác, cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà và Bắc Thạch Hà.
Năm 1978 xuất hiện lũ lớn nhất trên sông La kể từ khi hình thành đê La Giang. Mực nước lũ hoàn nguyên năm 1978 tại K2+00 là 8,10m. Theo ngành chức năng, trận lũ này tuy lớn song trong thời gian ngắn, lũ rút nhanh, thời tiết không phức tạp nên công tác hộ đê không gặp quá nhiều khó khăn.
Chính quyền thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ cho biết quy mô đê La Giang đã được đầu tư nâng cấp lớn hơn nhiều so với trước đây. Để đảm bảo an toàn cho đê La Giang, trước mùa mưa lũ hằng năm, các địa phương chủ động kiểm tra, xử lý các vấn đề cấp bách. Các vật tư phục vụ gia cố đê cũng được chuẩn bị sẵn.
Tuyến đường hành lang chân đê La Giang hiện đã đổ bê tông, thảm nhựa được 16,12 km, góp phần cho người và phương tiện qua lại thuận tiện. Việc đổ bê tông, thảm nhựa đường hành lang chân đê còn giúp quá trình kiểm tra, rà soát, ứng phó dễ dàng hơn nếu đê La Giang xảy ra sự cố.
Dọc tuyến đê La Giang có nhiều khu dân cư, vậy nên, để tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, ngành chức năng đã thiết kế, xây dựng nhiều điểm kết nối với đường địa phương.
Hình ảnh cầu Hưng Đức vượt sông Lam nối tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh của tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chạy qua tuyến đê La Giang.
Phạm Trường