Tân thủ lĩnh và quỹ đạo mới của IS
Ngày 10/3, Abu Omar al-Muhajer, người phát ngôn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS, đã công bố tên của thủ lĩnh mới của IS là Abu al-Hassan al-Hashimi al-Qurayshi. Al-Muhajer nói rằng các al-Qurayshi đã bầu người này làm Calife mới của IS. Calife, theo tên gọi, là người đứng đầu một vương quốc hay một chính quyền được quản lý theo luật Hồi giáo.
Ẩn số mang tên Abu al-Hassan al-Hashemi al-Qurayshi
Al-Quarayshi đã bị giết chỉ hơn hai năm sau cái chết của thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo trước đây, Abu-Bakr al-Baghdadi, trong một cuộc đột kích tương tự của lực lượng đặc biệt ở Syria vào tháng 10-2019. Giống như al-Qurayshi, al-Baghdadi cũng kích nổ chất nổ đeo trên người để tự sát cùng với các thành viên trong gia đình sau khi bị bao vây bởi các biệt động của lực lượng đặc biệt Mỹ.
Hai quan chức an ninh Iraq nói với Reuters rằng Abu al-Hassan al-Hashemi al-Qurayshi, thủ lĩnh mới được bổ nhiệm dường như là em trai của al-Baghdadi. Bản ghi âm mới của IS hầu như không cung cấp một thông tin chi tiết nào về người lãnh đạo mới của tổ chức này. Al-Muhajer có thể đã muốn giấu thông tin trong nỗ lực ngăn al-Qurayshi bị truy lùng và giết chết dễ dàng như những người tiền nhiệm.
Theo các chuyên gia, thủ lĩnh mới của IS thực sự là một ẩn số.
Tore Hamming, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh tại King's College London, cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn không biết gì về danh tính của anh ta".
Colin Clarke, Giám đốc nghiên cứu tại Soufan Group dự đoán rằng "tiểu vương mới của Nhà nước Hồi giáo thường được chọn trong số những người có thể vực dậy cái “thương hiệu” xuyên quốc gia của nhóm khủng bố này". Vào thời kỳ đỉnh cao, IS đã thu hút được một số lượng lớn các chiến binh nước ngoài, những người tình nguyện đến để tăng cường sức mạnh cho lực lượng IS tại Iraq và Syria.
Damien Ferre, Giám đốc công ty tư vấn Jihad Analytics, cho biết việc lựa chọn người kế nhiệm nhiều khả năng đã được đưa ra trước khi thủ lĩnh Abu Hamza al-Qurayshi qua đời để tránh chia rẽ nội bộ. Ông nói với AFP: “Quyết định sẽ được đưa ra sớm để tránh gây bất ổn mạnh mẽ cho nhóm, cách làm tương tự cũng từng được áp dụng cho người kế nhiệm vào năm 2019”.
Chuyên gia nghiên cứu về thánh chiến Aymenn Tamimi cho biết IS "có lẽ đã nhanh chóng quyết định một kẻ kế vị". Nhưng "họ có thể đã trì hoãn thông báo vì lý do an ninh và có thể vì người phát ngôn tiền nhiệm của họ, Abu Hamza, cũng đã bị giết chết".
Những hoạt động của IS dưới thời Abu Hamza al-Qurayshi
Vào rạng sáng ngày 3-2-2022, thủ lĩnh của IS, Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurashi, đã chết trong một chiến dịch quân sự của Mỹ ở Tây Bắc Syria sau nhiều tháng bị theo dõi và giám sát. Những thông tin mà Mỹ công bố sau cái chết của Qurayshi cho thấy nhân vật này là một chỉ huy có đầu óc thực tiễn, người luôn nắm chắc quyền điều hành tổ chức của mình. Việc anh ta tham gia sâu vào việc lập và thực thi các kế hoạch hoạt động của IS khiến Qurayshi trở nên đặc biệt nguy hiểm, theo đánh giá của một số quan chức Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình đảm nhiệm chức vụ Calife, Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurashi rất hạn chế xuất hiện, kể cả trong các băng ghi âm hay video.
Tuy nhiên, đối với IS, tất cả các Calife đều quan trọng và cái chết của al-Qurashi rõ ràng là một sự kiện lớn, ít nhất là về mặt biểu tượng. Vụ tấn công - mà al-Qurashi là tổng đạo diễn, theo lời các quan chức Mỹ được The Washington Post trích dẫn lại - bắt đầu vào ngày 20-1-2022, khi một xe chở bom tấn công cổng nhà tù Ghwayran ở thành phố Hasakah, một địa điểm đang giam giữ hàng nghìn chiến binh IS kể từ tháng 3-2019 (thời điểm xem như tổ chức khủng bố này đã bị đánh bại hoàn toàn). Một cuộc nổi dậy bên trong nhà tù và một vụ đánh bom tại một kho nhiên liệu gần đó - đã tạo điều kiện cho một số lượng lớn các chiến binh trốn thoát và khiến hàng trăm người chết và bị thương, trước khi địa điểm này rơi vào một cuộc bao vây kéo dài một tuần. Trong khi cuộc tấn công vẫn đang diễn ra, IS đã nỗ lực để chứng minh rằng đây không chỉ là một cuộc tấn công thông thường như vẫn thấy ở Syria. Thay vào đó, nó được coi là một 'malhama' mới (trận chiến sử thi) trong một cuộc chiến “khải huyền” chống lại kẻ thù của đạo Hồi và mang ý nghĩa tương tự như các trận chiến ở Mosul, Raqqa, thị trấn Sirte của Libya, và Marawi ở Philippines.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ có bao nhiêu tù nhân IS tại Ghwayran đã trốn thoát. Các nguồn tin của Cơ quan Tự trị (AA) đã báo cáo rằng vài phút sau khi những quả bom đầu tiên nổ ra, khoảng 20 người đã trốn khỏi nhà tù, mặc dù tuyên bố này đã được rút lại ngay vào tối hôm đó. Sáng hôm sau vụ tấn công nhà tù, người phát ngôn của Mặt trận Dân chủ Syrie (SDF) cho biết nhà chức trách đã bắt giữ khoảng 110 tù nhân ở khu vực lân cận nhà tù và tuyên bố rằng hoạt động “dọn dẹp” vẫn đang diễn ra. Ngày 3-2, tờ Washington Post đưa tin rằng vào thời điểm SDF chiếm lại nhà tù, “có thể hàng trăm tù nhân đã trốn thoát, giương lá cờ đen của IS và chiến đấu trở lại”, trong khi đó, các nguồn tin của IS trên Telegram thì tuyên bố rằng hàng trăm người đã vượt ngục, bao gồm cả“ ba nhà lãnh đạo cấp cao”, một con số sau đó được bộ phận Truyền thông Trung ương của IS sửa đổi lên thành 800 người. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thì tuyên bố rằng nhóm này đã “thất bại trong nỗ lực tiến hành một cuộc vượt ngục quy mô lớn.
Bước ngoặt chiến lược của is
Trong những tuần kế tiếp, Nhà nước Hồi giáo đã ca ngợi cuộc tấn công vào nhà tù Ghwayran như là một bước đột phá chiến lược lớn, một bước ngoặt lịch sử đối với quỹ đạo hoạt động của IS ở Syria, một số người ủng hộ thậm chí còn tuyên bố rằng nó còn quan trọng hơn cái chết của Abu Hamza al-Qurayshi, người lãnh đạo bí ẩn và khó nắm bắt của phong trào.
Theo SDF, cuộc tấn công Ghwayran bắt đầu khi một chiếc xe đánh bom tấn công cổng chính của nhà tù vào lúc 7 giờ sáng ngày 20-1-2022, ngay sau đó một số chiến binh IS đã xâm nhập vào khu giam giữ và khu hành chính phức hợp. Hàng ngàn tù nhân bên trong Ghwayran lập tức đã nổi loạn, áp đảo lính canh và lập các chướng ngại vật để phòng thủ trước mọi cuộc phản công; còn một số tù nhân khác đã nhanh chóng tẩu thoát. SDF tuyên bố rằng những nỗ lực này được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của “một chiếc xe chở hàng lớn chất đầy vũ khí và đạn dược” và một đường hầm “đã được đào bên trong một số ngôi nhà” trong khu vực.
Thông tin về vụ tấn công nhà tù Ghwayran do IS đưa ra cũng khá tương đồng, ngoại trừ một vài chi tiết bổ sung. Họ kể rằng cuộc tấn công nhà tù bắt đầu khi hai chiến binh nước ngoài kích nổ bom tự sát bên ngoài cổng của nhà tù, tạo điều kiện để các chiến binh đột nhập vào bên trong. Đồng thời, một nhóm chiến binh khác được cử đi tấn công một kho dầu ở khu vực lân cận nhà tù để tạo ra một màn khói nhằm cản trở khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của liên quân (ISR), một cuộc tấn công thứ tư được phát động nhắm vào một căn cứ của SDF gần đó để cản trở bất kỳ nỗ lực phản công tức thời nào. Trái ngược với lời kể của SDF, không có thông tin nào được đưa ra liên quan đến một chiếc xe chở đầy vũ khí đến hỗ trợ những người nổi dậy và sự tồn tại của đường hầm trong khu phức hợp. Thay vào đó, IS tuyên bố rằng cuộc bạo loạn đã xảy ra bởi vì các tù nhân đã chiếm được một kho vũ khí và đạn dược bên trong nhà tù sau khi chế ngự các lính canh, bắt giữ hàng chục con tin và thiết lập các kênh liên lạc ổn định với IS.
Một trận chiến kéo dài nhiều ngày sau đó, với việc hàng trăm tù nhân cầm vũ khí chống lại SDF và các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Anh. Tuy nhiên, không lâu trước khi các nguồn dự trữ lương thực và đạn dược cạn kiệt, những kẻ nổi dậy đã mở ra một kênh đàm phán với SDF, sử dụng mạng sống của những con tin mà họ đã bắt để mặc cả về các điều hỗ trợ y tế và cuối cùng là tính mạng của chính họ. Vào ngày 26-1-2022, sau 7 ngày trấn áp tích cực và hàng chục cuộc không kích của liên quân, cuộc bao vây đột ngột dừng lại khi hàng trăm tù nhân của nhà tù Ghwayran đã buông súng đầu hàng, chỉ còn lại một số nhỏ tiếp tục chống cự cho đến chết ở các tòa nhà phía Bắc của khu liên hợp của nhà tù này.
Những kết luận sơ bộ
Nhìn chung, cuộc tấn công vào nhà tù Ghwayran mang một phong cách hoàn toàn khác biệt so với những gì được cho là “chuẩn mực” của Nhà nước Hồi giáo ở Syria trong những năm trước đó. Cuộc tấn công vào nhà tù này có tác động quan trọng hơn bất kỳ cuộc tấn công hoặc chiến dịch nào khác được được Nhà nước Hồi giáo triển khai ở Syria kể từ tháng 3-2019. Chỉ riêng điều này cũng đã chứng minh tầm quan trọng chiến lược của cuộc tấn công đối với phong trào khủng bố này.
Cuộc tấn công Ghwayran là cuộc tấn công đầu tiên mà IS nhắm trực tiếp vào một cơ sở giam giữ lớn ở Syria kể từ khi nó mất đi phần lãnh thổ cuối cùng ở Syria vào năm 2019, dẫu rằng những lời đe dọa về một vụ tấn công như vậy thường xuyên được đưa ra trong các tuyên bố của những người lãnh đạo IS kể từ năm 2019 đến nay.
Trái ngược với tình hình ở Afghanistan, các nhà tù ở Đông Bắc Syria, nơi giam giữ các chiến binh của IS luôn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi SDF cùng với sự hỗ trợ từ liên minh toàn cầu. Do đó, bất kỳ nỗ lực đột phá nào vào một trong số các nhà tù đó sẽ luôn có khả năng vấp phải những phản ứng cứng rắn và mạnh mẽ. Có thể tin rằng cuộc tấn công này sẽ không xảy ra trừ khi IS tự tin rằng những lợi ích tiềm năng mà nó mang lại sẽ lớn hơn nhiều những tổn thất có thể xảy đến với tổ chức của mình.
Vậy những toan tính nào đã thúc đẩy IS xem rằng cuộc tấn công này - một hành động chắc chắn dẫn đến nhiều cái chết trong hàng ngũ của chính họ cũng như việc an ninh trên toàn lãnh thổ Syrie sẽ được thắt chặt đáng kể sau đó - là xứng đáng? Có lẽ tính toán này dựa trên mong muốn, hoặc nhu cầu giải phóng một số quan chức cấp cao của IS; hoặc có lẽ nó được thúc đẩy bởi một mong muốn làm rung chuyển mọi thứ và chứng minh rằng ba năm sau khi bị coi là đã sụp đổ, IS vẫn còn là một tác nhân quan trọng và có khả năng gây ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến ở Syria. Tuy nhiên mong muốn và khả năng thực thi những mong muốn đó luôn là hai vấn đề khác biệt nhau, tất cả sẽ phụ thuộc một phần lớn vào khả năng lãnh đạo của Abu al-Hassan al-Hashimi al-Qurayshi, thủ lĩnh mới được bầu lên của IS, một nhân vật hoàn toàn bí ẩn đối với thế giới.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tan-thu-linh-va-quy-dao-moi-cua-is-i647893/