Tân Thủ tướng: Bảo vệ người đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chiều 5/4, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021, với tỷ lệ tán thành 96,25%.
Phát biểu sau sau lễ tuyên thệ, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Ông bày tỏ, đây là vinh dự đối với cá nhân, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Tân Thủ tướng bày tỏ nhận thức sâu sắc rằng, Chính phủ và hoạt động của Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được…; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cụ thể:
Một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: đề cao tinh thân thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội.
Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền
Vấn đề thứ tư được tân Thủ tướng nêu ra là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội… Coi trọng phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tân Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, ông mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp, giám sát của Quốc hội, của Chủ tịch nước, các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các vị đại biểu Quốc hội…
“Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.