Tân thủ tướng Đức đối diện với khởi đầu khó khăn

Ngày 6/5, sau thất bại bất ngờ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ông Friedrich Merz đã chính thức được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Đức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Đức, một ứng viên Thủ tướng không giành được đủ đa số phiếu cần thiết trong lần bỏ phiếu đầu tiên dù đã có thỏa thuận liên minh.

Phải trải qua vòng bỏ phiếu thứ 2 tại Quốc hội được coi là một khởi đầu khó khăn đối với ông Friedrich Merz. Ông từng cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế đang suy yếu và củng cố vai trò lãnh đạo của Đức đối với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền.

Ông Merz không giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong vòng bỏ phiếu đầu tiên là trường hợp chưa từng xảy ra ở Đức thời hậu chiến dù rằng Liên minh CDU/CSU của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2 và đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Giới phân tích cho rằng, việc ông Mers không chiến thắng ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên đã phần nào hé lộ sự không vững chắc trong liên minh cầm quyền. Hệ thống nghị viện vốn nổi tiếng ổn định của Đức đang phải đối mặt với một thử thách nghiêm trọng, buộc các nhà lãnh đạo phải cân nhắc kỹ lưỡng về bước đi tiếp theo.

Ông Friedrich Merz trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức. Ảnh: Reuters

Ông Friedrich Merz trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức. Ảnh: Reuters

Chuyên gia chính trị của Đức, ông Volker Resing nhấn mạnh: "Ngày mai, chính phủ này phải hoạt động và phải khiến mọi người quên đi cách nó bắt đầu. Bây giờ, cần phải chứng minh rằng chính phủ có thể đưa nền kinh tế hoạt động trở lại, phải cung cấp cứu trợ cho nền kinh tế, phải chứng minh rằng có thể kiểm soát được tình trạng di cư bất hợp pháp, và chính phủ cũng phải chứng minh được vai trò lãnh đạo ở châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện các mối đe dọa từ phương Đông”.

Dù khởi đầu chưa được suôn sẻ, song việc ông Friedrich Merz vượt qua ngưỡng 316 phiếu cần thiết, để trở thành người đứng đầu chính phủ trong vòng bỏ phiếu thứ hai, nước Đức đã tránh được một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Thủ tướng khẳng định: “Tôi cam kết sẽ cống hiến hết mình vì hạnh phúc của người dân, thúc đẩy phúc lợi, bảo vệ người dân trước hiểm nguy, duy trì và bảo vệ Luật cơ bản và luật pháp của Liên bang, thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tận tâm và công bằng với tất cả mọi người”.

Thất bại ban đầu của ông Merz có vẻ như không dễ gì được bỏ qua, khi nghị sĩ Bernd Baumann – một trong các lãnh đạo phe đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) hay bà Renate Kuenast, nghị sĩ Đảng Xanh, đều nhìn nhận đây là “thất bại lịch sử”, “sự mất uy tín nghiêm trọng” đối với tân Thủ tướng. Tuy nhiên, Tân Thủ tướng Đức vẫn khẳng định ông muốn bắt tay vào công việc ngay thay vì mất thời gian phân tích động cơ của những người không ủng hộ ông trong vòng đầu tiên.

Theo kế hoạch, trong ngày 7/5, ông Merz sẽ có chuyến công du đầu tiên trên cương vị thủ tướng Đức đến hai đồng minh hàng đầu là Pháp và Ba Lan. Ngày tiếp theo, ông Merz sẽ điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào cuối tháng 6.

Trong bối cảnh nước Đức đang trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị hiếm thấy, Tân Thủ tướng Friedrich Merz dường như đã sẵn sàng để đối mặt với nhiều thách thức trong việc hàn gắn bất đồng nội bộ và khôi phục niềm tin của công chúng.

Phương Anh/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tan-thu-tuong-duc-doi-dien-voi-khoi-dau-kho-khan-post1197678.vov