Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những thách thức phía trước

Kỷ nguyên 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel đã qua. Những năm tháng của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz sắp bắt đầu, nhiều khả năng là trong vòng 2 tuần tới.

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: Reuters)

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: Reuters)

Trong vòng 2 tháng sau khi dẫn dắt Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) giành chiến thắng sít sao trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm của Đức Olaf Scholz đã xây dựng một liên minh mà ông rất cần khi trở thành Thủ tướng.

Đối với một người đàn ông lôi cuốn một cách khó tưởng tượng và có khí chất của một nhà kĩ trị như Olaf Scholz, thành công trong tổng tuyển cử là một điều xứng đáng.

Chỉ 2 năm trước, ông đã thất bại trước phe cánh tả trong chiến dịch tranh cử cương vị lãnh đạo SPD. Tuy nhiên, mọi chuyện nay đã khác. Và ông sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Đức.

Liên minh "đèn giao thông"

Chính phủ do ông Scholz đứng đầu sẽ là một thử nghiệm mới cho nước Đức.

Lần đầu tiên ở cấp liên bang, SPD - đảng chỉ mới có 3 trong số 8 Thủ tướng của Đức thời hậu chiến - sẽ cầm quyền cùng với Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ giới doanh nghiệp.

SPD xuất phát từ chủ nghĩa Marx hồi thế kỷ XIX, trong khi Đảng Xanh khởi nguồn từ văn hóa phản kháng những năm 1970, còn FDP hiện nay xuất phát từ chủ nghĩa tân tự do.

Liên minh này được gọi là “liên minh đèn giao thông” theo màu sắc truyền thống của các đảng. Tuy nhiên, để bộ ba này có thể cùng hòa hợp là một điều không dễ dàng.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu của chính trị gia Scholz không phải là buộc hai đối tác chính trong liên minh cầm quyền phải chấp nhận cương lĩnh chính trị của SPD mà là đảm bảo rằng, mỗi bên có thể tuyên bố chiến thắng đủ để đông đảo cử tri chấp nhận thỏa thuận liên minh.

Và ông Scholz dường như đã làm được điều đó.

Bình luận về liên minh cầm quyền mới của Đức, Holger Schmieding - nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg - đã mô tả liên minh này là một “liên minh có tính liên tục”.

Ông nói: “Những gương mặt mới không nhất thiết có nghĩa là sẽ có thay đổi lớn về chính sách. Chúng tôi hy vọng chính phủ mới sẽ tiếp tục nghiêng dần về hướng chi tiêu nhiều hơn cho lương hưu và đầu tư, cũng như chuyển đổi xanh, vốn là dấu ấn của 8 năm qua trong 16 năm cầm quyền của cựu Thủ tướng Merkel”.

Giống như "đại" liên minh của bà Merkel gồm Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối trung hữu và SPD theo đường lối trung tả, chính phủ mới của Đức sẽ bao gồm các đảng đến từ cả hai phía của sự chia rẽ chính trị.

Chuyên gia kinh tế Schmieding nói thêm: “Về số lượng, phe trung tả (SPD và Đảng Xanh) mạnh hơn nhiều và phe trung hữu (FDP thay vì CDU/CSU) trong chính phủ mới yếu hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các chính sách tài khóa trong nước và của châu Âu, FDP thường ủng hộ đường lối cứng rắn hơn so với bà Merkel.

Do đó, chúng tôi luôn cho rằng, những thỏa hiệp giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền mới này sẽ khá giống với việc tiếp tục những gì chính phủ cũ đã làm".

Vai trò của từng đảng trong liên minh

SPD tất nhiên sẽ nắm trong tay vị trí Thủ tướng và một số chức vụ Bộ trưởng.

Nhìn chung, SPD và ông Scholz sẽ cố gắng thực hiện vai trò mà CDU và bà Merkel từng đảm nhận, đó là những nhà quản trị phi ý thức hệ nhưng rất có năng lực trong thời kỳ khủng hoảng.

Để làm hài lòng cánh tả trong đảng của mình, ông Scholz sẽ nhanh chóng thúc đẩy thực hiện cam kết lớn nhất trong chiến dịch tranh cử: tăng lương tối thiểu từ 9,60 Euro lên 12 Euro/giờ, xây thêm nhà ở, qua đó tạo dựng hình ảnh người bảo vệ giai cấp lao động và duy trì công bằng xã hội.

Sau đó, SPD sẽ ngồi lại và nỗ lực giữ cho hai đối tác còn lại trong liên minh cầm quyền không xung đột với nhau.

Đảng Xanh đã phải nhượng bộ rất nhiều trong các cuộc đàm phán nhưng cũng đã nhận được điều mà họ đánh giá là rất quan trọng.

Robert Habeck, một trong hai nhà lãnh đạo của đảng này, có vẻ sẽ trở thành “siêu bộ trưởng” phụ trách một số lĩnh vực, từ kinh tế đến năng lượng và khí hậu.

Như đã nhất trí trong thỏa thuận thành lập liên minh, ông Habeck sẽ cố gắng thúc đẩy thị phần năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong mạng lưới điện quốc gia, loại bỏ điện than vào năm 2030 thay vì năm 2038 và loại bỏ ô tô sử dụng động cơ đốt trong cũng trong khoảng thời gian đó.

Bộ Ngoại giao cũng sẽ thuộc về Đảng Xanh và đồng lãnh đạo Đảng Xanh, và bà Annalena Baerboc có thể sẽ đảm nhận vị trí Ngoại trưởng.

Mặc dù không thành công với vị trí ứng cử viên cho chức Thủ tướng của Đảng Xanh, nhưng bà Baerbock, người có tiếng nói nhiệt thành nhất kêu gọi củng cố Liên minh châu Âu, có thể trở thành một nhà ngoại giao giỏi.

Trong khi đó, FDP - đối tác nhỏ nhất trong liên minh cầm quyền - là đảng có nhiều thứ để "khoe khoang" nhất. Đảng này đã thể hiện được giá trị quan trọng của mình khi bác bỏ các yêu sách của SPD và Đảng Xanh về thuế tài sản và tăng thuế thu nhập.

FDP cũng ủng hộ nguyên tắc cân bằng ngân sách trong nước và thắt chặt tài chính của EU. Lãnh đạo FDP Christian Lindner thậm chí dường như đã giành được Bộ Tài chính từ tay Đảng Xanh.

Tất nhiên, cả 3 đảng trong liên minh cầm quyền mới sẽ dốc sức để nhấn mạnh bất cứ điểm chung nào mà họ có thể tìm thấy.

Đó có thể là hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa - vốn khá phổ biến với các cử tri trẻ nhưng hiện không còn là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay, hoặc công cuộc chuyển đổi kỹ thuật mang tính cấp bách hơn nhiều đối với một nền kinh tế đáng ngạc nhiên là vẫn đang sử dụng các tài liệu giấy.

Những thách thức phía trước

Đứng đầu trong danh sách những việc cần làm của chính phủ Đức sắp tới là làn sóng Covid-19 đang bao trùm cả đất nước.

Đức đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới khiến châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch, từ đó dẫn đến những biện pháp hạn chế cứng rắn từ các quốc gia láng giềng và sự phản đối từ các công dân trong khối vì các lệnh phong tỏa.

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), Đức đã tiêm chủng cho khoảng 80% dân số trưởng thành, nhưng nước này vẫn đi sau các nước Nam Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hiện Đức có kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh của Đức đã được ấn định sẽ hết hiệu lực vào ngày 24/11 và các đối tác trong liên minh mới đã nhất trí về một đạo luật chống lây nhiễm mới vừa được Hạ viện và Thượng viện thông qua vào tuần trước.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus đã làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng đầy biến động của EU.

Cuộc khủng hoảng này cũng khiến người ta chú ý nhiều hơn tới ảnh hưởng của Nga ở châu Âu - đặc biệt là đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi, đưa khí đốt từ Nga đi qua Biển Baltic để đến Đức.

Ngoài ra, các chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở Ba Lan và Hungary đang tiếp tục thử thách giới hạn của EU bằng cách đảo ngược các giá trị dân chủ cốt lõi.

Người tiền nhiệm của ông Scholz, bà Merkel, đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của EU, giúp khối này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ và người di cư ở châu Âu.

Liệu Thủ tướng tương lai của Đức có tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo EU - hay để lại vai trò đó cho người khác, đó là điều vẫn còn phải xem xét.

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-thu-tuong-duc-olaf-scholz-va-nhung-thach-thuc-phia-truoc-166036.html