Tân Thủ tướng Italia tuyên thệ nhậm chức: Trọng trách khó khăn

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi vừa tuyên thệ nhậm chức tân Thủ tướng Italia, mang theo trọng trách giải quyết hàng loạt khó khăn mà đất nước hình chiếc ủng đang phải đối mặt, đặc biệt là cuộc khủng hoảng toàn diện do đại dịch Covid-19 gây ra. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính phủ của tân Thủ tướng M.Draghi sẽ phải trải qua hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để được phê chuẩn chính thức.

Tân Thủ tướng Italia Mario Draghi (phải) và người tiền nhiệm Giuseppe Conte tại buổi lễ nhậm chức ở thủ đô Rome, ngày 13-2.

Thủ tướng được chỉ định của Italia M.Draghi và nội các gồm 23 bộ trưởng đã chính thức tuyên thệ nhậm chức vào trưa 13-2 (giờ địa phương). Trước đó, Tổng thống Italia Sergio Mattarella đã kêu gọi các lực lượng chính trị ở nước này ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc sau khi cựu Thủ tướng Giuseppe Conte từ chức hôm 26-1. Sau cuộc gặp kéo dài gần một giờ tại Phủ Tổng thống, quyền thành lập chính phủ mới đã được trao cho ông M.Draghi. Bên cạnh đó, chính phủ vừa thành lập cũng được kỳ vọng sẽ thể hiện đúng tinh thần đoàn kết dân tộc với thành phần nội các được phân bổ cho tất cả các chính đảng thuộc cả hai phe tả và hữu.

Italia là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Âu chịu ảnh hưởng bởi làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020. Nước này hiện đang đứng thứ 8 về số ca mắc với hơn 2,7 triệu trường hợp dương tính. Trong bối cảnh đó, trọng tâm của chính phủ mới là tập trung nguồn lực để đối phó với dịch bệnh, đồng thời tìm ra hướng đi giúp khôi phục nền kinh tế chịu tác động nặng nề trong thời gian qua. Giới quan sát nhận định, ông M.Draghi là lựa chọn hàng đầu cho vị trí quan trọng này với kinh nghiệm dày dặn từ những trọng trách trước đây như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu…

Trong những ngày qua, tân Thủ tướng M.Draghi đã đề ra chương trình hành động, trong đó tập trung vào kế hoạch phân bổ nguồn quỹ trị giá 209 tỷ euro, dự kiến sẽ được tiếp nhận từ Quỹ Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU). Khoản ngân quỹ này được sử dụng chủ yếu để đầu tư nhằm phục hồi nền kinh tế đang trì trệ.

Ông Fabio Panetta - thành viên Ban Giám đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu đánh giá, khoản tài trợ mà Italia tiếp nhận từ Quỹ Phục hồi của EU có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3,5% nếu như được đầu tư tốt và hiệu quả. Cải cách tài khóa cũng là một trong những ưu tiên của tân Thủ tướng Italia.

Một điểm đáng chú ý nữa trong định hướng chính sách của ông M.Draghi là nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một kế hoạch ngân sách chung cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hồi cuối tháng 1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone xuống còn 4,2% trong năm 2021 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao cùng sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Khi còn là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông M.Draghi đã từng kêu gọi các nước thành viên Eurozone xây dựng kế hoạch ngân sách chung, vốn được coi là thành tố chủ chốt còn thiếu trong cấu trúc của khối. Đối với Italia, một kế hoạch ngân sách chung cho Eurozone sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế thoát khỏi cú sốc đối với nền tài chính công, tạo lá chắn đối phó với các khủng hoảng.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính phủ của ông M.Draghi sẽ phải trải qua hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để được phê chuẩn chính thức. Chính phủ mới được cho là sẽ dễ dàng vượt qua các cuộc bỏ phiếu bởi trước đó các chính đảng lớn thuộc cả hai phe tả và hữu đều đã cam kết ủng hộ chính trị gia 73 tuổi này.

Trong bối cảnh Italia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm nay, chính phủ mới của nước này càng nhận được sự quan tâm đặc biệt với kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế bằng các quyết sách kịp thời và hiệu quả.

Mai Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/991277/tan-thu-tuong-italia-tuyen-the-nham-chuc-trong-trach-kho-khan