Tân Thủ tướng Lebanon: Lời hứa tái thiết và hòa giải

Trong vòng chưa đầy một tuần, Lebanon đã bầu được Tổng thống mới và lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại chỉ định một Thủ tướng nằm ngoài giới tinh hoa cầm quyền - Chánh án Tòa án Công lý Quốc tế Nawaf Salam. Sự xuất hiện của Thủ tướng mới ở Lebanon được xuất hiện nhiều thứ hai trong các bản tin Trung Đông sau chiến dịch quân sự của Israel, khiến dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Thẩm phán Nawaf Salam - Chánh án Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã được Tổng thống Lebanon Joseph Aoun bổ nhiệm làm Thủ tướng và chỉ định thành lập Chính phủ mới. Trước đó cùng ngày, trong những cuộc tham vấn do Tổng thống Aoun triệu tập, ông Salam đã giành được 84 phiếu ủng hộ tại Quốc hội, trong khi cựu Thủ tướng lâm thời Najib Mikati, người được Hezbollah hậu thuẫn, chỉ nhận được 9 phiếu ủng hộ. 34/128 nghị sĩ Quốc hội đã bỏ phiếu trắng.

 Thủ tướng được chỉ định của Lebanon Nawaf Salam phát biểu ngày 14.1. Ảnh: Reuters

Thủ tướng được chỉ định của Lebanon Nawaf Salam phát biểu ngày 14.1. Ảnh: Reuters

Theo hệ thống chia sẻ quyền lực bất thành văn của Lebanon, chức vụ Tổng thống thường được dành cho chính khách theo Cơ đốc giáo dòng Maronite, Chủ tịch Quốc hội là tín đồ Hồi giáo dòng Shi’ite và vị trí Thủ tướng thuộc về chính khách theo đạo Hồi dòng Sunni. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả Tổng thống Joseph Aoun và Thủ tướng Nawaf Salam đều không thuộc giới tinh hoa chính trị truyền thống của Lebanon.

Trước khi ông Salam được bổ nhiệm, Lebanon nằm dưới sự điều hành của Chính phủ tạm quyền do ông Mikati đứng đầu suốt hơn 2 năm, và Tổng thống Aoun đã được bầu sau 26 tháng vị trí này bỏ trống.

Tân Thủ tướng Lebanon là ai?

Sinh năm 1953, ông Salam xuất thân từ một gia đình Hồi giáo Sunni nổi tiếng ở Beirut với lịch sử lâu dài trong hoạt động chính trị. Ông Salam nhận bằng tiến sĩ khoa học chính trị của trường đại học danh tiếng Sciences Po của Pháp cũng như bằng tiến sĩ lịch sử từ Đại học Sorbonne của Pháp. Ngoài ra, ông còn nhận bằng Thạc sĩ Luật của trường Harvard. Với kiến thức uyên thâm, ông từng giảng dạy tại một số trường đại học, bao gồm Đại học Hoa Kỳ tại Beirut.

Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Lebanon tại Liên Hợp Quốc, nơi ông phục vụ trong 10 năm. Năm 2018, ông Salam được bầu làm thẩm phán của ICJ và vào tháng 2.2024, ông được bầu làm Chánh án ICJ, trở thành công dân Lebanon đầu tiên giữ chức vụ này.

Ông Salam kết hôn với nhà báo Sahar Baasiri - chuyên gia viết bài cho tờ báo hàng đầu An-Nahar của Lebanon trong nhiều năm. Baasiri đã làm việc từ năm 2018 với tư cách là Đại sứ của Lebanon tại UNESCO.

Gia đình ông cũng rất nổi tiếng với người chú Saeb - từng là Thủ tướng Lebanon nhiều nhiệm kỳ trong giai đoạn 1950 - 1975. Ông được coi là nhân vật chủ chốt trong Hiệp định Taif, hiệp định chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 15 năm ở Lebanon. Một người chú khác của Nawaf Salam, Tammam, cũng là Thủ tướng Lebanon từ năm 2014 - 2016 và là một cựu bộ trưởng.

Khi còn trẻ, Nawaf Salam, giống như nhiều người Ảrập khác, tham gia tích cực vào các phong trào và hoạt động ủng hộ Palestine.

Trong thời gian làm việc tại Liên Hợp Quốc, Nawaf Salam là kiến trúc sư chủ chốt đằng sau việc thành lập Tòa án Đặc biệt về Lebanon (STL), tòa án này đã lên án Hezbollah đứng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri.

Ông Nawaf Salam cũng đóng vai trò quan trọng trong Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chấm dứt cuộc chiến tranh tháng 7.2006 giữa Hezbollah và Israel; kêu gọi tất cả các tác nhân phi nhà nước từ bỏ vũ khí.

Kế hoạch 3R

Phát biểu tại Cung điện Baabda ở thủ đô Beirut ngày 14.1 lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Nawaf Salam nhấn mạnh, đã đến lúc đưa Lebanon bước sang trang mới dựa trên công lý, an ninh, tiến bộ và cơ hội để trở thành quốc gia tự do, bảo đảm quyền bình đẳng cho công dân.

Ông cam kết thúc đẩy một kế hoạch 3R gồm Rescue - Reform - Rebuild (giải cứu, cải cách và tái thiết) một quốc gia đang chìm trong khủng hoảng.

Tân Thủ tướng cho biết, một bộ phận lớn người dân Lebanon vẫn sống trong cảnh nhà cửa bị phá hủy, các cơ sở hạ tầng bị hư hại. Do đó cần thực hiện các nỗ lực tái thiết các ngôi làng ở khu vực Bekaa, phía Nam và thủ đô Beirut sau cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 14 tháng qua giữa Israel và lực lượng Hezbollah.

Tân Thủ tướng Salam nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách nền hành chính hiện nay của Lebanon vốn phụ thuộc vào sự bảo trợ từ bên ngoài; ủng hộ áp dụng phân cấp hành chính mở rộng.

Ở một đất nước đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 2019, ông đã cam kết sẽ nỗ lực thành lập một chính phủ có thể xây dựng một nền kinh tế hiện đại và hiệu quả, tạo nhiều cơ hội việc làm cho các thế hệ tương lai. Ông cũng kêu gọi sớm thực thi công lý vì các nạn nhân của 2 vụ nổ ở cảng Beirut năm 2020 khiến hơn 200 người thiệt mạng, hơn 7.500 người bị thương, hơn 300.000 người mất nhà cửa và gây thiệt hại khoảng 15 tỷ USD.

Được biết đến là những nhân vật thân phương Tây, cả Tổng thống Aoun và Thủ tướng Salam được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông dòng tiền từ các quốc gia Ảrập giàu dầu mỏ và phương Tây đổ vào Lebanon để hỗ trợ quá trình tái thiết. Hàng chục nghìn người dân Lebanon đã mất hết tiền tiết kiệm kể từ khi ngành ngân hàng của đất nước sụp đổ do cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cả ông Aoun và ông Salam đều không được coi là thành viên của tầng lớp chính trị trước kia, lực lượng bị coi là đã điều hành một đất nước tham nhũng và quản lý yếu kém tràn lan trong nhiều thập kỷ qua, dẫn đến một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới trong hơn một thế kỷ vào tháng 10.2019.

Cành oliu cho tất cả

Trong bài phát biểu của mình, tân Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự đoàn kết khi khẳng định ủng hộ sự hòa hợp, thống nhất giữa các dân tộc, kêu gọi tất cả các bên cùng nhau đề xuất đường hướng cải cách. Ông cho rằng ông đã tiếp cận được toàn bộ “quang phổ chính trị” sau khi giành được sự ủng hộ của hơn một nửa số nghị sĩ Quốc hội Lebanon.

Ông cũng chìa cành ô liu cho lực lượng Hezbollah dù lực lượng này không ủng hộ việc đề cử ông làm Thủ tướng. “Tôi dang rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người cùng nhau thực hiện sứ mệnh này”, ông Salam cho biết. “Tôi muốn mang đến sự đoàn kết thay vì sự chia rẽ”, ông nói và kêu gọi mở ra một “chương mới” cho Lebanon.

Tuy nhiên, ông Nawaf Salam cho biết ông sẽ “mở rộng quyền hạn của nhà nước Lebanon trên toàn bộ lãnh thổ” và “làm việc nghiêm túc để thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của LHQ”, trong đó kêu gọi Hezbollah rút khỏi miền nam Lebanon.

Trên thực tế, việc đề cử Salam cho thấy vị thế suy yếu của Hezbollah trong Quốc hội Lebanon sau cuộc chiến tàn khốc với Israel và sự sụp đổ của đồng minh của lực lượng này là Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng trước. Hezbollah là lực lượng ủng hộ Thủ tướng lâm thời Najib Mikati tiếp tục tại vị, song ông Mikati chỉ nhận được 9 phiếu.

Về Israel, ông Nawaf Salam cho biết, sẽ nỗ lực để “buộc kẻ thù phải rút lui hoàn toàn khỏi tấc đất cuối cùng của Lebanon mà kẻ thù chiếm đóng”, ám chỉ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, buộc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Lebanon.

Ông đã trở lại Beirut vào ngày 14.1 để bắt đầu tham vấn với các phe phái và nhà lập pháp Lebanon nhằm thành lập Chính phủ mới. Ông Nawaf Salam cho biết, ông đang tiếp cận mọi tầng lớp chính trị để ủng hộ Hezbollah, tổ chức phản đối đề cử ông.

Ở đất nước Lebanon có nhiều tôn giáo khác nhau, việc đề cử một Thủ tướng không bảo đảm rằng một Chính phủ mới sẽ được thành lập ngay lập tức. Quá trình này trước đây có thể mất nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng do những chia rẽ chính trị sâu sắc và sự mặc cả.

Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn của ông đối với Israel cũng khiến các nước phương Tây lo ngại. Khi còn giữ vị trí Đại sứ của Lebanon tại Liên Hợp Quốc, bao gồm hai năm làm thành viên không thường trực tại HĐBA, ông Nawaf Salam đã chỉ trích Israel hàng chục lần trong các bài phát biểu. Với tư cách là Chánh án Tòa án Công lý Quốc tế, vào năm 2024, ông chủ trì cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Gaza, một quyết định hiện vẫn gây tranh cãi. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại liệu ông có thể để lãnh đạo quá trình giải giáp Hezbollah, hay có thể đưa Lebanon trở lại thỏa thuận ngừng bắn năm 1949 với nhà nước Do Thái hay không, chứ chưa nói đến việc đấu tranh cho hòa bình và bình thường hóa quan hệ.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tan-thu-tuong-lebanon-loi-hua-tai-thiet-va-hoa-giai-post402180.html