Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ký ức một thời: Kỳ 3 - Quảng Ninh đổi màu, từ nâu sang xanh
Lần làm việc ấy với PGS.TS Phạm Minh Chính tại Quảng Ninh, chúng tôi bất ngờ bởi một cơ cấu kinh tế đẳng cấp quốc tế đang dần hình thành tại mảnh đất tưởng chừng đã quen thuộc.
Kỳ 1 - Thời khó
Kỳ 2 - Tầm nhìn
Thời điểm kinh tế Việt Nam đương lao đao, váng vất bởi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thì tân Bí thư Quảng Ninh Phạm Minh Chính chạm mặt ngay với một Quảng Ninh bộn bề khó khăn. Từng có không ít ý kiến xa xôi cùng ghen tỵ về một nhiệm kỳ yên ổn của tân Bí thư Tỉnh ủy ở một địa phương giàu có, hội đủ địa hình sông- đồi- rừng- biển. Nhiều ý kiến cho rằng ông chả phải bươn chải gì chỉ ngồi ngắm, ngồi hái lộc từ 2077 hòn đảo đẹp như mơ bày trên mâm ngọc Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long - một phim trường trời cho độc đáo, cùng một ngư trường mênh mông trên 6230km (?).
Ông có bằng lòng với một mặt bằng kinh tế nghèo nhưng nhàn tản với cơ cấu ngân sách của tỉnh tằng tằng trông chờ vào 70% từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh và 10% từ đất?
Không thể tằng tằng lẫn thư thả, PGS.TS Phạm Minh Chính cùng đồng sự tâm huyết đã làm đảo lộn cái nếp nghĩ bao đời nay đã bền chắc ở vùng biên viễn Quảng Ninh bằng bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”: khai khoáng sản sang phát triển du lịch, công nghiệp!
Để được sự đồng thuận và Bộ Chính trị chính thức phê duyệt đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu sang xanh" là cả một giai đoạn trần ai với đội ngũ cán bộ Quảng Ninh đặc biệt là với ông Phạm Minh Chính.
Thử biên ra vài trích đoạn trong lộ trình nhọc nhằn ấy.
Nội chỉ trong 1 năm mà ông Chính đã bươn bả đôn đáo ở 52 hội nghị, những hội thảo khoa học trong và ngoài Quảng Ninh, và tất tật ở 52 cuộc họp quan trọng ấy, ông đều tranh thủ chiếm diễn đàn. Những diễn đàn ấy đã vang lên âm hưởng lúc tha thiết, lúc dõng dạc, khi thì thủ thỉ như cởi ruột, bày gan và có lúc nôn nóng, rốt ruột. Tất cả đều xoay quanh cái trục 7 quy hoạch chiến lược, nền tảng để Quảng Ninh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, trong đó có đầu tư tư nhân.
Chưa hết, ông còn chuyển tải thông điệp ấy không phải qua nhiều kênh như công văn báo cáo hay email mà là trực tiếp đến 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ, trực tiếp gặp và bàn với những người và bộ phận có trách nhiệm. Vẫn chưa hết, ông biết những lời nói phải ấy phải được "chúng khẩu đồng từ", nhất là những diễn đàn lớn như Quốc hội. Nghĩ sao làm vậy, ông Chính đã trực tiếp làm việc với 9 Ủy ban của Quốc hội.
Rồi vẫn chưa an tâm, ông lại trực tiếp làm việc với 2 Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương.
Giữa những khoảng bấn bíu ấy, vị Bí thư Tỉnh ủy vẫn chọn cho mình khoảng thời gian còn tất tả hơn. Tôi nghe nhiều chuyện quanh sự kiện Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính 2 lần liền nhảy tàu gỗ đi đảo Cô Tô. Ông ra để bàn, để thúc Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo. Một việc mà khi đó ai cũng lắc vì khó và các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm chưa dám nghĩ tới!
Thời điểm ngân sách đã cạn kiệt, không thể trông chờ vào Nhà nước, ông Chính đã quyết cái việc xin Chính phủ cho thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, có tổng mức đầu tư 1.106 tỉ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến gần 70km, trong đó tuyến cáp ngầm xuyên biển 22kV dài 23km. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ hiện đại nhất và là sự kiện gây tiếng vang và nổi trội nhất khi ấy.
Rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã thăm, làm việc với Quảng Ninh, nghe rất kỹ đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đi thực tế Khu kinh tế Vân Đồn.
Kết thúc cuộc thăm, Tổng Bí thư kết luận, Bộ Chính trị sẽ xem xét kỹ thêm đề án và giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện đề án này. Tiếp theo, đề án quan trọng ấy được nghiên cứu kỹ càng thêm bởi Đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Quảng Ninh.
Tôi nhớ mùa hè năm 2012, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vận áo ngắn, quần lụa đen đi thị sát Khu Kinh tế Vân Đồn và nghiên cứu đề án kinh tế lớn ấy. Trước đó bà bị tai nạn nhẹ, một bên tay đeo băng nhưng vẫn có mặt trong cuộc khảo sát địa điểm đặt sân bay Vân Đồn ở xã Đoàn Kết khi đó còn hoang hoải.
Sau cuộc gặp chuyện trò với người dân thuộc diện phải giải tỏa, trên chuyến ca nô đi thị sát đảo Ba Mùn, ông Phạm Minh Chính có kể lại đầu đuôi cuộc tranh luận giữa ông với ông tổ Tập đoàn McKinsey sau một chuyến chuyên cơ riêng đến Việt Nam theo yêu cầu gấp của ông Chính. Đó là việc Việt Nam quyết định làm sân bay tư nhân đầu tiên.
"Ố là là! Ngài Chính ơi! Đã có sân bay Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Nội Bài (Hà Nội) không xa đây thì hà tất thêm một Vân Đồn nữa mà chi nhỉ" - Chủ tịch McKinsey nhún vai cùng động tác giang hai tay ra với đối tác từng ngồi cùng nhau không ít mà ông thấy chả dễ thuyết phục…
Cuộc tranh luận bắt đầu.
Ông có thừa nhận xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chính của thời đại không? - ông Chính cười cười hướng về người đối thoại.
- Tất nhiên. Rồi sao nữa?
- Nếu hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chính thì thương mại, dịch vụ, thăm thân, đầu tư có phát triển không?
- Rõ rồi, thưa ngài Bí thư!
- Ông có công nhận là dù khó khăn đến thế nào thì đời sống của nhân dân năm sau vẫn luôn khá hơn năm trước?
Gật lia lịa nhưng ông Chủ tịchMcKinsey vẫn chưa biết cái vị quan đầu tỉnh này dẫn mình tới đâu?
Vẫn nguyên nụ cười thân thiện, ông Chính ngửa hai lòng tay ra: “Và mức sống khấm khá thì người ta thiên về xu thế hưởng thụ. Cái sự ăn chơi, ngủ nghỉ kết hợp với làm việc là xu thế tất yếu?”. “Đúng” - Chủ tịch McKinsey gật tiếp.
"Thưa ngài, khi ấy cái người ta cần nhất là thời gian! Mà thời gian di chuyển tiện nhất thời nay chỉ có thể là máy bay. Đầu tư một con đường cao tốc thì mất gần 60.000 tỉ đồng nhưng chúng tôi chỉ kết nối được 3 trung tâm kinh tế là Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhưng chỉ cần có sân bay, Quảng Ninh sẽ kết nối được cả thế giới, mà tổng vốn chỉ khoảng hơn 7.500 tỉ đồng"- ông Chính nói tiếp.
Sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã được Chủ tịch McKinsey đưa vào quy hoạch và xây dựng.
(Còn tiếp)