Tân Thủ tướng Shehbaz Sharif: Hy vọng mới của Pakistan
Ngày 11/4, ông Shehbaz Sharif tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan sau khi được Quốc hội bầu, thay thế người tiền nhiệm Imran Khan.
Tuần qua là tuần đầy biến động trong giới chính trị Pakistan. Cựu Thủ tướng Imran Khan đã buộc phải rời ghế trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, sau khi quốc gia Nam Á này trải qua tình trạng bất ổn chính trị kéo dài nhiều tuần.
Cựu Thủ tướng Imran Khan đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội Pakistan sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi chính phủ liên minh cho rằng ông đã thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, cũng như không thực hiện được các cam kết tranh cử của mình.
Ông Khan đã dùng mọi cách để duy trì quyền lực, bao gồm giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Pakistan coi tất cả các hành động của ông là bất hợp pháp và ra lệnh cho Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Kết quả bỏ phiếu được công bố lúc 1h sáng ngày 10/4, sau phiên họp kéo dài kỷ lục 13 giờ đồng hồ, cho thấy có 174 nghị sĩ trong số 342 thành viên Hạ viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Qua đó, ông Khan buộc phải kết thúc gần bốn năm tại vị của mình.
Ngày 11/4, các nhà lập pháp Pakistan đã bầu Chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) Mian Muhammad Shehbaz Sharif làm tân Thủ tướng của quốc gia Nam Á này.
Chính trị gia kỳ cựu
Tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif sinh ngày 23/9/1951 tại Lahore, được đánh giá là chính trị gia dày dặn kinh nghiệm và là một nhà quản trị hiệu quả.
Ông Shehbaz Sharif là em trai của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người từng ba lần giữ cương vị thủ tướng Pakistan. Cha của họ, ông Muhammad Sharif, là người sáng lập tập đoàn Ittefaq Group chuyên sản xuất thép. Ông Shehbaz Sharif tiếp bước cha mình và trở thành doanh nhân, đồng sở hữu một công ty thép tại Pakistan, theo Al Jazeera.
Có một cuộc sống khá sung túc và bận bịu với kinh doanh, nhưng ông cũng hứng thú với việc tham gia chính trường, giống như người anh của mình.
Năm 1990, khi ông Nawaz thắng cử lần đầu tiên và trở thành Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz được bầu vào Quốc hội Pakistan, đại diện cho bang Punjab. Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của anh trai năm 1997, ông trở thành thủ hiến của Punjab, bang đông dân và quyền lực nhất Pakistan, đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, hai năm sau, Pakistan xảy ra đảo chính quân sự và Thủ tướng Nawaz Sharif bị lật đổ. Gia đình Sharif bị bỏ tù và buộc phải đi lưu vong ở Saudi Arabia vào năm 2000. Đến năm 2007, hai anh em nhà Sharif cùng trở lại Pakistan. Năm 2008, ông Shehbaz Sharif lần thứ hai được bầu làm Thủ hiến bang Punjab và lần thứ ba vào năm 2013. Ông cũng là người giữ chức vụ thủ hiến lâu nhất trong lịch sử Pakistan.
Năm 2017, sau khi anh trai Nawaz bị kết tội với tội danh che giấu tài sản liên quan đến các tiết lộ của Hồ sơ Panama, ông Sharif được cho là người sẽ thay thế người anh trai để trở thành Thủ tướng Pakistan. Tuy nhiên, ông đã để thua trong cuộc bầu cử năm 2018 trước ông Imran Khan. Kể từ đó, ông giữ chức vụ lãnh đạo phe Đối lập đồng thời là chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N).
Nhà lãnh đạo nhiệt huyết
Trong thời gian đương nhiệm, ông Shehbaz đã lên kế hoạch và thực hiện một số dự án lớn về cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, bao gồm cả hệ thống giao thông khối lượng lớn hiện đại đầu tiên của Pakistan tại quê hương Lahore của ông.
Ông được mô tả là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết, chỉ ngủ khoảng bốn tiếng mỗi đêm, có phong cách “nói là làm”, thể hiện rõ nhất khi ông còn là Thủ hiến bang Punjab.
Tân Thủ tướng thường đích thân đứng ra chống quan liêu trong bộ máy của Pakistan để giúp các dự án được thông qua trong thời gian kỷ lục và không ngại phê bình các quan chức vi phạm trong những cuộc họp.
Các nhà phân tích cho rằng ông Shehbaz có mối quan hệ thân thiện với quân đội Pakistan, vốn luôn có ảnh hưởng lớn đến truyền thống kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng ở quốc gia 220 triệu dân này.
Ông Shehbaz luôn thể hiện quan điểm mềm mỏng, rút kinh nghiệm từ chính những trải nghiệm của anh trai trong mối quan hệ với quân đội. Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và con gái từng lên tiếng chống lại giới tướng lĩnh, cáo buộc quân đội can thiệp chính trị và phải hứng chịu kết cục không mấy tốt đẹp.
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan (69 tuổi) nắm quyền vào năm 2018. Ông từng là một ngôi sao cricket và là đội trưởng Đội tuyển cricket quốc gia Pakistan đã giành chức vô địch thế giới vào năm 1992.
Theo Reuters, không có thủ tướng nào từng phục vụ đầy đủ nhiệm kỳ ở Pakistan, nhưng ông Imran Khan là người đầu tiên mất chức sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Những thách thức đợi chờ
Danh tiếng “nhà quản trị có năng lực” của ông Shehbaz Sharif sẽ thực sự được kiểm chứng khi ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Pakistan.
Ngay sau khi đắc cử, ông Shehbaz đã nói với Al Jazeera rằng rằng đất nước đang gặp rất nhiều thách thức trên lĩnh vực kinh tế khi lạm phát ở mức 13% và đồng Rupee trượt giá, khủng hoảng cán cân thanh toán cận kề. Theo Financial Times, giữa tháng Ba, chi phí nhiên liệu và thực phẩm cao hơn 15,1% so với một năm trước đó.
Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng khẳng định: “Những thách thức kinh tế là rất lớn và chúng ta cần phải tìm cách thoát khỏi những khó khăn này. Chúng ta sẽ phải đổ mồ hôi và xương máu vực dậy nền kinh tế”.
Ngoài ra, chính quyền mới của ông Sharif cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với các nước lớn. Trước đó, cựu Thủ tướng Imran Khan đã nhiều lần chỉ trích Mỹ, khiến cho quan hệ hai bên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cá nhân ông Sharif và đảng PML-N luôn có quan hệ tốt với Washington, do vậy, những vấn đề trong quan hệ song phương với Mỹ có thể dễ dàng được cải thiện.
Bên cạnh đó, gia tộc Sharif cũng có quan hệ khá tốt với chính quyền Trung Quốc. Ông Sharif cũng nói thêm rằng, chính phủ của ông sẽ đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn ở Pakistan, trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Một số dự án trên bị chậm tiến độ dưới thời của ông Khan.
Chính quyền của ông Sharif cũng sẽ phải tìm cách cân bằng lại quan hệ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, sức nặng và ảnh hưởng của ông Shehbaz Sharif được nhận định có thể bị hạn chế do ở Pakistan, giới quân sự tham gia sâu trong việc hoạch định chính sách của Islamabad với Ấn Độ và Afghanistan.
Quan hệ Pakistan - Ấn Độ thời gian qua cũng đã có chút khởi sắc, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Kashmir. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa, ngày 2/4 tuyên bố ông muốn thúc đẩy đàm phán với Ấn Độ để tạo bước tiến trong xử lý tranh chấp ở Kashmir.
Với Afghanistan, có thể sẽ xuất hiện tình thế khó khăn cho Pakistan. Bất chấp việc Islamabad thuyết phục các nước phương Tây can dự với Taliban, lực lượng bất ngờ lên nắm quyền ở Kabul hồi năm ngoái, nhưng Taliban vẫn chưa được thế giới công nhận và vẫn nằm trong diện trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Chiến thắng của Taliban cũng cổ vũ các phần tử thánh chiến ở Pakistan, khiến cho nước này phải hứng chịu số vụ tấn công khủng bố ngày một gia tăng.
Tân Thủ tướng Pakistan cũng được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn khi điều hành một chính phủ mới, do nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, diễn ra vào tháng 8/2023.
Ngoài ra, sau khi ông Sharif nhậm chức, hơn 100 nghị sĩ thuộc đảng Tehreek-e-Insaf đã đồng loạt từ chức nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho cựu Thủ tướng Imran Khan. Nếu được lãnh đạo quốc hội chấp thuận, Pakistan sẽ phải bầu cử số lượng lớn nghị sĩ bổ sung trong vòng hai tháng, gây ra sự xao lãng lớn cho ông Sharif và các đảng liên minh và có thể là cơ hội để ông Khan huy động sự ủng hộ.
Madiha Afzal, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings nhận định rằng, ông Shehbaz Sharif chưa bao giờ giữ chức vụ nào trong chính phủ, ngoài việc là lãnh đạo của phe đối lập trong ba năm qua. Do đó, tân Thủ tướng Pakistan sẽ cần phải chứng minh khả năng của mình, giúp quốc gia Nam Á này thoát khỏi các thách thức hiện hữu.
(tổng hợp)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-thu-tuong-shehbaz-sharif-hy-vong-moi-cua-pakistan-180293.html