Tân Thuận (Hàm Thuận Nam): Nhà máy nước chờ hệ thống điện để vận hành
Ông Mai Anh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) cho biết: 'Công trình Nhà máy nước Tân Thuận triển khai mấy năm nay đã hoàn thành cơ bản; cùng đó tuyến ống liên xã và các đường ống chính bên ngoài gần đường tỉnh ĐT. 712 cũng đã được đấu nối ổn định với hệ thống cấp nước trung tâm. Tuy nhiên nhà máy đang chờ đường dây điện đấu nối vào để vận hành bơm nước phục vụ cho đông đảo nhân dân trong xã'. Ngoài ra, các tuyến đường nằm xa 300 - 400 m so với trục đường ĐT.712 vẫn chưa được đấu nối vào tuyến ống chính; khiến người dân không khỏi lo, khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức, họ vẫn xa nguồn nước sạch!
Tân Thuận
Trong khi đó, ông Lương Thanh Châu, Trưởng trạm Khu vực 3, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thông tin thêm, Nhà máy nước Tân Thuận còn thiếu hệ thống điện 3 pha, khi hoàn chỉnh mới có thể làm nhiệm vụ như trạm tăng áp, tiếp nhận nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Thuận Nam mở rộng cung cấp nước sạch cho người dân Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) và xã giáp ranh Tân Hải (thị xã La Gi)… Còn hiện tại, khu vực này chỉ sử dụng đường ống chính dẫn từ Nhà máy nước Thuận Nam đến thẳng Tân Thuận phục vụ cho hơn 300 hộ dân sinh sống dọc tuyến ĐT. 712, tuyến ống này cũng thông qua xã Tân Hải cấp nước cho một số người dân dọc ĐT.719…
Ông Mai Anh Tùng cho biết thêm: Bởi nguồn nước sạch chưa được mở rộng, không ít người dân trong 7 thôn sử dụng giếng đào, giếng khoan nhưng qua thời gian bị nhiễm mặn, phèn, vôi… Chị Nguyễn Thị Kim Duyên, ngụ ở thôn Hiệp Tân chia sẻ: “Thôn đông đúc dân không chỉ khó khăn đường sá đi lại mà còn khổ bởi nước sinh hoạt vài năm nay rồi. Ở đây đã có những gia đình tập trung vốn liếng thuê thợ đào giếng trong vườn nhà vướng đá không có nước, phải tìm nơi khác khoan giếng sâu đến 40 m (chi phí hơn 10 triệu đồng) có nước ngọt được thời gian đầu rồi nay lại bị nhiễm mặn, phèn, chỉ lắng lọc dùng tắm giặt, sinh hoạt vệ sinh, tưới vườn. Nước sạch sử dụng ăn uống phải mua dịch vụ bên ngoài về dùng. Bởi thế, bà con ở đây tiết kiệm nước sinh hoạt hết mức, nước rửa đồ ăn dành nấu cám cho heo, cho bò uống, nước tắm lại dành lau nhà, tưới cây… Và hẳn nhiên, người dân tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để dành khoản tiền mua nước sạch hàng tháng vào mùa nắng nóng.
UBND xã Tân Thuận đang đề xuất UBND huyện Hàm Thuận Nam kiến nghị tỉnh chỉ đạo Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh ưu tiên vốn thi công gói thầu phần xây lắp điện 3 pha cho đồng bộ với các hạng mục đã hoàn thành của Nhà máy nước Tân Thuận. Đồng thời Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn cũng đầu tư đấu nối hoàn chỉnh tuyến ống nước chính vào các tuyến nhánh khu dân cư ở 7 thôn, cấp nước sạch cho hơn 2.000 hộ dân (xã mới có 300 hộ sử dụng hệ thống nước máy) trong tổng số gần 12.000 dân xã nông thôn mới này.
Thái Khoa