Tân Tổng thống Joe Biden 'chữa lành vết thương' cho nước Mỹ như thế nào?
Máu đã đổ, nước mắt đã rơi, nhưng những thời khắc khó khăn nhất vẫn đang chờ đón Tổng thống Joe Biden sau ngày 20/1.
Có lẽ, những con số lạ về lễ nhậm chức ông Joe Biden ngày 20/1 phần nào phản ánh những thách thức nước Mỹ đang phải đối mặt. Nếu như 191.500 lá cờ Mỹ tượng trưng cho đám đông không thể dự lễ nhậm chức Tổng thống vì đại dịch Covid-19, sự hiện diện của 25.000 vệ binh quốc gia tại Washington D.C. trong ngày nhậm chức là minh chứng rõ nét về hàng loạt bất ổn mà nước Mỹ đã nếm trải sau ngày bầu cử 3/11/2020.
Song đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và đảng Dân chủ sẽ phải giải quyết. Nước Mỹ bước vào 2021 ở vị thế bấp bênh chưa từng có từ sau Thế chiến thứ Hai, với vai trò cường quốc hàng đầu thế giới trước vô vàn thách thức.
Hàn gắn chia rẽ
Ở trong nước, đại dịch Covid-19 tiếp tục để lại thiệt hại nặng nề về sinh mạng và kinh tế. Chỉ trong tháng Một, Mỹ đã ghi nhận hơn 100.000 người chết vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong toàn quốc lên 400.000 người, cao nhất thế giới, với hơn 24,2 triệu ca nhiễm. Ngay cả khi ông Biden cam kết rằng nước Mỹ sẽ có 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu nhậm chức, quá trình triển khai tiêm chủng cho toàn bộ người dân Mỹ có thể kéo dài tới cuối năm.
Tuy nhiên, thiệt hại mà đại dịch Covid-19 để lại cho người dân Mỹ sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí là thập kỷ. Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng khoảng 5,8% năm 2021 sau khi giảm 3,5% năm 2020. Tuy nhiên, viễn cảnh này chỉ diễn ra trong trường hợp gói cứu trợ đại dịch Covid-19 mới nhất có thể được giải ngân kịp thời. Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mà ông Biden cam kết có thể khiến GDP của Mỹ tăng vọt, song ông cần nhiều hơn những chính sách cụ thể để tạo ra công ăn việc làm cho hơn 10 triệu người thất nghiệp, hay khôi phục niềm tin vào tương lai cho doanh nghiệp.
Đáng ngại hơn cả, xứ cờ hoa đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Trong lịch sử Mỹ, không hiếm những cuộc biểu tình với hàng trăm nghìn người và sự chia rẽ xã hội sâu sắc liên quan đến nhiều vấn đề như phân biệt chủng tộc, nữ quyền, chiến tranh Việt Nam, Iraq… Song việc hàng nghìn người ủng hộ tổng thống thất cử tràn vào Tòa nhà Quốc hội để phản đối, ngăn cản việc thông qua kết quả bầu cử Tổng thống chưa bao giờ xảy ra.
Cùng với những bất ổn chính trị-xã hội chưa được giải quyết như bất bình đẳng giới, bất bình đẳng thu nhập, phân biệt chủng tộc,…phân cực chính trị có thể làm suy yếu tính bền vững và sự ổn định của chính trị Mỹ sau hơn 200 năm lập quốc. Ông Biden từng nói mình sẽ “chữa lành vết thương” cho nước Mỹ, song sẽ đúng hơn khi nhận định rằng ông chỉ là người khởi đầu cho tiến trình ấy, dự kiến sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.
Mạng lưới đồng minh, đối tác tin cậy và rộng khắp là điều mà Mỹ cần để củng cố và duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.
Trở lại là Mỹ
Về đối ngoại, ông Biden có nhiều việc phải làm để khôi phục vị thế dẫn dắt của nước Mỹ. Sau Covid-19, Trung Quốc ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ và dự kiến sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc số một kinh tế thế giới vào năm 2028, sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Trước thực trạng ấy, ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của ông Donald Trump, song với cách tiếp cận khác mềm mỏng, bài bản hơn. Trong khi đó, Nga tiếp tục là bài toán khó mà Mỹ cần tìm lời giải tại châu Âu và Trung Đông.
Bên cạnh đó, ông Biden cần khôi phục cam kết mạnh mẽ của Washington đối với những đối tác truyền thống, cho dù đó là trong Liên minh châu Âu (EU), tại Trung Đông, châu Mỹ, Đông Bắc Á hay Đông Nam Á. Mạng lưới đồng minh, đối tác tin cậy và rộng khắp là điều mà Mỹ cần để củng cố và duy trì vị thế cường quốc khu vực và thế giới.
Quan trọng hơn, đã đến lúc ông Biden đưa Mỹ quay trở lại với cách tiếp cận đa phương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới thông qua hợp tác, dù đó là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc hay Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START).
Trong bộ phim truyền hình The Newsroom (Mỹ), phát thanh viên Will McAvoy nhận định rằng nước Mỹ có thể làm được nhiều điều phi thường bởi “chúng ta đã được báo trước, bởi những con người vĩ đại, đáng kính”. Liệu ông Joe Biden có phải là cá nhân đặc biệt ấy? Câu trả lời sẽ được kiểm chứng trong bốn năm tới.