Tân Trào chăm sóc lúa đặc sản

Vụ mùa năm nay, xã Tân Trào (Sơn Dương) hoàn thành gieo cấy 150 ha lúa, trong đó diện tích lúa đặc sản của xã là hơn 25 ha. Người dân đang tập trung chăm sóc để lúa đạt năng suất cao.

Người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) phun chế phẩm sinh học cho lúa.

Người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) phun chế phẩm sinh học cho lúa.

Lúa đặc sản Tân Trào được trồng tại thôn Tân Lập. Những cánh đồng lúa nơi đây được tưới bởi dòng suối trong mát bắt nguồn từ rừng đặc dụng Tân Trào đã tạo ra sản phẩm gạo có hương vị thơm ngon đặc trưng. Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, khách du lịch biết đến gạo đặc sản Tân Trào qua các hội chợ thương mại, qua các hộ gia đình làm du lịch homestay tại thôn Tân Lập, tuy nhiên sản phẩm gạo cung cấp ra thị trường còn hạn chế. Những năm gần đây, xã Tân Trào đã đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy nhằm nâng cao chất lượng gạo đặc sản của xã như giống lúa BC15, TBR225, Đài Thơm 8, Bắc Hương 9... Hiện, xã tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất gạo đặc sản ra toàn bộ các cánh đồng của thôn Tân Lập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới sản xuất hàng hóa.

Vụ mùa năm 2019, UBND xã Tân Trào, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ với 3 ha giống lúa Đài Thơm 8 tại thôn Tân Lập. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần giống, phân bón, các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ với hình thức gieo sạ.

Bà Nguyễn Thị Thêm, thôn Lũng Búng cho biết, gia đình bà thầu 2 sào đất 5% của xã tại thôn Tân Lập để trồng lúa. Vụ này, gia đình bà tham gia mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ. Khác hẳn với tập quán canh tác trước kia, giống không cấy mà được gieo sạ thẳng nên giảm được nhiều công. Về khâu chăm sóc, bà cũng không dùng bất kỳ loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học khi cần, làm cỏ cũng theo phương pháp thủ công. Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh phát triển mạnh, gia đình bà đang làm cỏ và bón thúc bằng phân hữu cơ để cây lúa phát triển.

Ông Hoàng Văn Xoan, thôn Tân Lập nói, gia đình có 2 sào ruộng, hàng năm trồng giống lúa BC15, những năm gần đây lúa bị sâu bệnh nhiều, năng suất giảm. Từ vụ xuân năm 2018 đến nay, gia đình ông trồng giống lúa Bắc Hương 9, năng suất đạt hơn 2,1 tạ/sào. Cây lúa ít sâu bệnh, chất lượng gạo dẻo, thơm, ngon nên vụ mùa này gia đình tiếp tục cấy giống Bắc Hương 9.

Theo ông Hoàng Văn Lục, cán bộ khuyến nông xã Tân Trào, thời gian qua, độ ẩm cao, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng nhưng cũng làm phát sinh các loại sâu, bệnh hại lúa. Do vậy, xã khuyến cáo người dân tăng cường thăm đồng, theo dõi sát sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa và các đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là bệnh đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu…

Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của xã đang trong thời kỳ đẻ nhánh mạnh. Đây là thời kỳ quan trọng, tác động trực tiếp tới năng suất lúa nên xã khuyến cáo người dân các thôn thực hiện việc điều tiết, phân bổ nguồn nước hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng; hướng dẫn nhân dân bón phân, sử dụng phân bón thúc, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và chủ động phòng trừ dịch hại trên cây lúa.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tan-trao-cham-soc-lua-dac-san-120830.html