Tân Trào ngày ấy
Tân Trào là xã nằm ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với tên tuổi sự nghiệp vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh. Đến nay Tân Trào có trên 17 di tích. Nơi đây đã ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những di tích chính của Tân Trào gồm: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, tại Tân Trào, Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã sống những ngày gian khổ để lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Lán Nà Nưa
Là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại hội, Tổng khởi nghĩa.
Cây đa Tân Trào
Dưới bóng cây Đa của làng Tân Lập, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.
Đình Tân Trào
Là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945, các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây.
Đình Hồng Thái
Đình thuộc địa phận làng Kim Trận (nay là thôn Cả), xã Tân Trào. Đình cất dựng năm 1919, có dáng dấp nhà sàn miền núi. Đình Hồng Thái cũng như ngôi đình của Việt Nam với chức năng tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, thần Sông, thần Núi và các vị thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung Công Chúa. Hơn nữa, đình còn là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của làng. Ngoài giá trị về mặt văn hóa tín ngưỡng thì ngôi đình còn có giá trị về mặt lịch sử. Bởi đây là nơi dừng chân đầu tiên của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi người từ Pác Bó, Cao Bằng đến với căn cứ địa Cách mạng Tân Trào ngày 21 tháng 5 năm 1945.
Hang Bòng
Hang nằm ở trên lưng chừng núi Bòng, dưới chân núi là dòng sông Phó Đáy uốn khúc ôm lấy bên hữu dãy núi. Chính tại đây Bác Hồ đã chỉ đạo chiến dịch Biên giới 1950 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào năm 1951.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự
Ông Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập). Ngôi nhà ở vị trí giữa làng Tân Lập, xã Tân Trào. Đây là nơi Bác Hồ ở đầu tiên khi Người từ Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào từ ngày 21/5/1945, trước khi rời lên lán Nà Nưa. Đến nay, ngôi nhà không chỉ là một di tích lịch sử Cách mạng mà còn có giá trị kiến trúc nhà sàn truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Những sự kiện của Đảng, của cách mạng Việt Nam diễn ra tại Tân Trào (Sơn Dương) gắn liền với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mãi mãi là những dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Đức Anh
(Theo các tài liệu lịch sử)
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/cuoi-tuan/dien-dan/tan-trao-ngay-ay-148171.html