Tân Trụ: Nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, là động lực tạo sự phát triển đột phá, toàn diện, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã và đang huy động nguồn lực, đề ra các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy CĐS trên địa bàn, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đưa chuyển đổi số vào thực tiễn
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung, để đẩy mạnh CĐS, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi CĐS là thời cơ; tích cực ứng dụng các thành tựu của CĐS phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị, cộng đồng và xã hội.
Trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ CĐS, UBND huyện xây dựng kế hoạch CĐS gắn với các mục tiêu cụ thể; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Huyện Tân Trụ nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện (Trong ảnh: Người dân tra cứu thông tin, tình trạng giải quyết hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công huyện qua các ứng dụng trực tuyến)
Việc ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước có những chuyển biến khá lớn.
Cụ thể, 100% phòng, ban huyện, UBND xã, thị trấn triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng (đối với cấp huyện); trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp xã đạt 100%; ký số cấp huyện đạt 100% (4.693/4.693), cấp xã đạt 100% (5.766/5.766);…
Trung tâm Hành chính công huyện, “một cửa” cấp xã phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng; cung cấp thông tin phục vụ tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua ứng dụng Zalo.
Theo đó, hồ sơ thủ tục hành chính được lưu trữ, luân chuyển từ các Trung tâm Hành chính công đến cơ quan chuyên môn từ huyện và xã qua hệ thống phần mềm Một cửa điện tử. 9 tháng năm 2024, hồ sơ giải quyết đúng hạn được công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 100% (10.512/10.512 hồ sơ).
Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện - Hồ Thanh Lợi cho biết: Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với CĐS, trọng tâm là cắt giảm TTHC, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm để phục vụ.
Đồng thời, Trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình trong thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với CĐS như Hỗ trợ công dân lập tài khoản và mật khẩu trên hệ thống dịch vụ công của công dân; Một hồ sơ, Ba kết quả; Cán bộ, công chức thân thiện, văn minh công sở;... giúp quá trình giải quyết công việc hiệu quả, nhanh chóng hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm; đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân, tạo sự hài lòng của người dân khi đến giao dịch với cơ quan nhà nước.
Đồng bộ giải pháp
Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung thông tin: Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa tất cả các quy trình TTHC, huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, huyện triển khai hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; duy trì triển khai ứng dụng công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR;...
Huyện Tân Trụ củng cố thành lập lại 43 tổ công nghệ số cộng đồng để tăng cường hiệu quả quá trình chuyển đổi số (Trong ảnh: Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Bình Tịnh hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số)
Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang cung cấp dịch vụ Internet cố định băng rộng và dịch vụ truy cập Internet 3G, 4G được phủ đến 100% ấp có dân cư trên địa bàn toàn huyện; hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 89%, hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt hơn 96%.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xây dựng xã hội số, huyện tiếp tục tuyên truyền, thực hiện đạt mục tiêu mỗi người dân có điện thoại di động thông minh cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số Long An Số, Tổng đài 1022 (qua đầu số 0272 1022), Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (https://1022.longan.gov.vn); tích hợp các dịch vụ xác thực điện tử, thanh toán điện tử, chữ ký điện tử; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết hợp với thanh toán trực tuyến, ký số;...
Hiện nay, các trường học trên địa bàn thực hiện thu nộp học phí và lệ phí vào tài khoản của trường đạt 100%; 100% cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn huyện có sử dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số; người dân có thể tự thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn sinh hoạt hàng tháng đạt gần 90%; 11/11 cơ sở y tế sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiếp tục triển khai xét xử trực tuyến tại Tòa án huyện;…
Nhằm tăng cường hiệu quả quá trình CĐS, huyện củng cố thành lập lại 43 tổ công nghệ số cộng đồng, 215 thành viên nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai tạo các nhóm “Zalo ấp, khu phố” do trưởng ấp/khu phố là quản trị nhóm để kịp thời đăng tải thông tin cần biết và các thông báo về chính trị, KT-XH có liên quan để người dân được biết; đồng thời, người dân cũng đăng tải những tin tức tương tác với nhau.
“Để thúc đẩy quá trình CĐS toàn diện, hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo lộ trình đề ra, huyện Tân Trụ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS một cách tích cực, hiệu quả; phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về công tác CĐS, an toàn thông tin, khai thác, sử dụng thông tin trên không gian mạng; tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho CĐS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước,... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân, thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển” - ông Trịnh Phước Trung nhấn mạnh./.
Thời gian qua, Đoàn xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc triển khai, thực hiện nhiều mô hình, hoạt động chuyển đổi số thiết thực, giúp tiết kiệm thời gian của người dân.