Tân Trụ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Để ứng phó với những tác động từ biến đổi khí hậu, nông dân huyện Tân Trụ, tỉnh Long An mạnh dạn tiếp cận, ứng dụng, thực hiện các mô hình canh tác thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp tại huyện Tân Trụ

Nông dân sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp tại huyện Tân Trụ

Canh tác thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu

Thời gian qua, các mô hình canh tác thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu được ngành Nông nghiệp huyện triển khai ở các xã, thị trấn, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình tưới nước tiên tiến cho cây ăn trái giúp giảm công lao động và tiết kiệm chi phí. Ông Đào Văn Thành (ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông) cho biết: “Tôi đầu tư hệ thống tưới nước tiên tiến để chăm sóc vườn bưởi 2 tuổi rưỡi trong thời điểm khô hạn. Hệ thống giúp tôi giảm khoảng 40% lượng nước tưới và giảm hoàn toàn công lao động. Trước đó, trong thiết kế vườn, tôi cũng tính toán việc lên liếp, đào mương để trữ nước ngọt, bảo đảm nguồn nước dồi dào trong suốt mùa khô”.

Hiện tại, toàn huyện có trên 300ha ao nuôi tôm, tập trung tại các xã vùng hạ. Trong đó, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi công nghệ CPF Combine, thực hiện quy trình nuôi 2 giai đoạn hoặc 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0. Ông Nguyễn Thanh Sử (ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh) nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0. Ông lắp tủ điều khiển kết nối với điện thoại thông minh có kết nối wifi để điều khiển từ xa hệ thống quạt, máy sục khí đáy ao, máy cho ăn thông qua ứng dụng Farmext, tiết kiệm công lao động và thời gian thực hiện linh hoạt. Ngoài ra, người nuôi còn có thể lắp đặt hệ thống giám sát môi trường dưới ao tích hợp vào ứng dụng để theo dõi, cảnh báo tự động, kiểm soát tốt môi trường ao 24/24 giờ.

Canh tác lúa theo hướng khoa học

Đối với cây lúa - cây trồng chủ lực của huyện, nhiều năm qua, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân canh tác các loại giống chất lượng cao, đặc sản ngắn ngày, phù hợp chịu mặn, phèn tốt: Đài thơm 8, Nàng Hoa, RVT, ST25,…

Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp Hội Nông dân Việt Nam các xã, thị trấn đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội thảo đầu bờ cho nông dân tham quan các mô hình đạt hiệu quả cao. Năm 2022, huyện tổ chức 23 lớp tập huấn chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho gần 700 nông dân trồng lúa. Mỗi lớp tập huấn kéo dài 14 tuần để giúp nông dân vừa học, vừa thực hành. Từ đó, nông dân dần thay đổi thói quen canh tác như sạ thưa, giảm phân bón. Nông dân còn học kỹ năng thăm đồng, biết cách quan sát, đánh giá các chỉ tiêu về sự sinh trưởng của cây; kiểm soát lượng thiên địch để phòng trừ dịch hại tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Ông Lê Văn Thịnh (ấp 5, xã Tân Phước Tây) chia sẻ: “Theo thói quen canh tác trước đây, nông dân thường căn cứ vào độ tuổi của cây lúa là phun thuốc ngừa sâu, bệnh. Sau khi được tập huấn, áp dụng vào thực tế, tôi hiểu rõ về mức độ dịch hại, các giai đoạn trừ bệnh hiệu quả, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng giống gieo sạ nhưng năng suất vượt trội”.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đây được xem là những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại./.

Kim Tuyền

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tan-tru-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-nong-nghiep-a151453.html