Tấn Trường làm gì trong trận thắng Indonesia?
Không có nhiều việc để làm khi Indonesia lép vế trước Việt Nam nhưng thủ môn Bùi Tấn Trường vẫn cần cải thiện.
Tấn Trường có ngày trở lại trong màu áo tuyển Việt Nam bằng chiến thắng 4-0 trước Indonesia. Một trận đấu mà thủ môn quê Đồng Tháp không có nhiều việc để làm, ít trở thành điểm nóng trên sân và mất hút trong phần lớn thời gian của trận đấu.
Thống kê của AFC cho thấy các cầu thủ Indonesia chỉ có một pha dứt điểm trúng về phía khung thành tuyển Việt Nam. Bóng về tay Tấn Trường một cách nhẹ nhàng, tình huống đó diễn ra ngay phút thứ 3 và không có gì đặc sắc để khiến số 1 của tuyển Việt Nam phải vất vả.
Lần gần nhất Tấn Trường ra sân ở cấp độ tuyển quốc gia là cách đây gần 8 năm. Đó là trận thua Uzbekistan 0-3 ở Asian Cup 2015. 8 năm cho sự trở lại không được kỳ vọng, thậm chí có phần bất ngờ. Anh đã có phần bị ngộp bởi cái cảm giác trở lại mang nhiều cảm xúc.
Tấn Trường hồi hộp là có thật, nhất là khoảng 15 phút đầu tiên của hiệp 1. Khi bóng chủ yếu lăn trên phần sân của Indonesia thì thủ môn sinh năm 1986 chỉ còn một mình ở phần sân nhà. Anh cố gắng làm sao có thể lấy được cảm giác ở một trận đấu cấp châu lục.
Khi Indonesia bắt đầu những tình huống phản công, cũng là lúc khán giả hướng mắt về vị trí của Tấn Trường. Nhiều người có thể không nhận ra sự thiếu liên lạc, ăn ý trong các pha ra vào giữa thủ môn 35 tuổi với bộ ba trung vệ trước mặt. Đó là nhịp, và nó diễn ra rất nhanh.
Do sức tấn công của Indonesia yếu, họ cũng không chơi pressing tầm cao nên những pha bóng tiếp cận khung thành của Tấn Trường không tạo được áp lực. Bóng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của hàng thủ Việt Nam dưới sự chỉ huy của đội trưởng Quế Ngọc Hải.
Ngọc Hải rất chủ động liên lạc với Tấn Trường trong các pha để bóng về khung thành an toàn. Thủ môn tuyển Việt Nam rất hạn chế ra khỏi khu vực 5,5 m hay chủ động băng ra với một tín hiệu liên lạc với đồng đội. Đó là sự hồi hộp mà ngay cả một thủ môn kinh nghiệm cũng cần thời gian để thích nghi.
HLV thủ môn Nguyễn Thế Anh dành sự tập trung cao độ để quan sát Tấn Trường. Với kinh nghiệm của mình, anh nhanh chóng nhận ra cậu học trò thua mình 5 tuổi chưa thật sự tự tin. HLV Thế Anh liên tục bước lên mặt cỏ từ khu kỹ thuật (làm thấp hơn mặt sân) để chỉ đạo sâu sát về mặt tâm lý và chuyên môn.
HLV Thế Anh nói lớn: "Tự tin lên Trường", cùng ánh mắt sắt lẹm và khuôn mặt nghiêm nghị. Có lúc, thầy của Tấn Trường thường trực bên ngoài đường piste để chỉ đạo riêng thủ môn. Điều này giúp cho Tấn Trường cảm thấy yên tâm và không phải suy nghĩ quá nhiều. Bởi lẽ có những thời điểm Tấn Trường giữ bóng (bằng tay và bằng chân) nhưng anh không quyết đoán về hướng mình sẽ chuyền.
Tấn Trường từng chia sẻ trước đó rằng điểm mạnh của anh là khả năng chỉ huy hàng phòng ngự. Anh cũng cho rằng rất khó nói trước được điều gì và muốn chứng minh năng lực để mọi người có thể tin tưởng vào khả năng của anh trong lần trở lại này.
Sau 15 phút đầu có phần bị ngộp, Tấn Trường quen với cảm giác thi đấu. Anh cũng không có cơ hội để thể hiện nên rất khó đánh giá về mặt chuyên môn. Dẫu vậy, sự quan tâm của HLV Thế Anh cho Tấn Trường cho thấy thủ môn quê Đồng Tháp cần cải thiện về mặt tâm lý, đó luôn là điểm yếu lớn nhất của Tấn Trường sau nhiều năm.
Ở những phút cuối trận, Tấn Trường bị cầu thủ mang áo số 16 Witan Sulaeman vào bóng ác ý. Cầu thủ vào sân thay người đã đạp tuột vớ của thủ môn tuyển Việt Nam, buộc anh phải than phiền với trọng tài Ahmad Alali. Đó cũng là tình huống mà Tấn Trường phải mất hai nhịp mới ôm gọn được trái bóng.
Với thời tiết oi bức ở Dubai và nền nhiệt cao, chỉ đứng không trong sân cũng cảm thấy khó chịu. Dù không có nhiều pha bóng tốn sức, Tấn Trường thường phải lùi về lấy khăn lau mặt và lau găng tay và tranh thủ uống nước. Công việc của anh còn khá nhiều khi trước mắt là hai đối thủ khó chịu là Malaysia (11/6) và chủ nhà UAE (15/6).
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tan-truong-lam-gi-trong-tran-thang-indonesia-post1224899.html