Tận tụy 'gieo' chữ
Thời gian qua, được sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 326, Quân khu 2, nhiều người dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La biết đọc, biết viết, có thêm kiến thức để làm ăn, buôn bán. Hình ảnh những 'thầy giáo' TTTTN ngày đêm miệt mài 'gieo' chữ đã trở nên thân thuộc với đồng bào các dân tộc nơi biên giới huyện Sốp Cộp, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tin yêu, đánh giá cao.
Tiến gần hơn tới ước mơ
Bản Púng Pảng nằm trên rẻo cao của xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. Đã thành thói quen, sau bữa cơm tối, anh Lầu Bả Tống cùng vợ là chị Giàng Thị Bự lại bảo nhau chuẩn bị sách, bút rồi địu con đến lớp học xóa mù chữ do “thầy giáo” Vừ Bả Nọ, TTTTN Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2, Đoàn KT-QP 326 đứng lớp. Anh Lầu Bả Tống cho hay: “Không biết chữ khổ lắm! Con đi học, đi bệnh viện lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để viết giấy tờ hộ. Tôi muốn học để biết cái chữ, sau này đi làm các thủ tục liên quan đến giấy tờ được dễ dàng hơn”.
Hăng say học tập không kém, đó là chị Sồng Thị Giống ở xã Mường Và. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại do hủ tục lạc hậu nên tuổi thơ của chị không được cắp sách tới trường. Nhìn đôi bàn tay chai sần vì quanh năm đầu tắt mặt tối với việc nương rẫy, nay lại vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ khiến chúng tôi thêm khâm phục ý chí, quyết tâm của chị.
Chính vì khát khao con chữ nên khi biết Đoàn KT-QP 326 đến bản mở lớp xóa mù chữ và vận động bà con đến học, chị đăng ký tham gia với niềm tin biết chữ là tiến gần hơn tới ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Chị Sồng Thị Giống tâm sự: “Học chữ vui lắm! Cảm ơn các chú bộ đội đã mở lớp xóa mù chữ cho dân bản. Chúng tôi sẽ cố gắng học thật nhiều cái chữ. Có cái chữ rồi sẽ biết cách làm ăn, buôn bán để thoát nghèo”.
Thượng tá Nguyễn Đình Chiến, Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn KT-QP 326 cho biết: “Những năm qua, thực hiện Dự án 174 của Bộ Quốc phòng về tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 326 đã lãnh đạo đơn vị làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cử TTTTN tham gia giảng dạy 35 lớp xóa mù chữ cho hơn 770 người dân; tuyên truyền vận động 230 em học sinh bỏ học tiếp tục đến trường. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Đoàn KT-QP 326 đã trực tiếp đứng ra mở hai lớp xóa mù chữ cho bà con ở các cụm bản thuộc xã Mường Lạn và xã Mường Và (huyện Sốp Cộp). Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn”.
Tấm lòng người “gieo” chữ
Anh Vừ Bả Nọ là sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sơn La, chuyên ngành sư phạm Văn. Khi biết Đoàn KT-QP 326 tuyển chọn đội viên TTTTN đến công tác tại Khu KT-QP Sông Mã, Vừ Bả Nọ đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia và trúng tuyển. Là người dân tộc Mông, lại được đào tạo cơ bản về sư phạm, Vừ Bả Nọ nhận thức được rằng nếu không có kiến thức thì nghèo vẫn mãi nghèo, khó khăn vẫn mãi khó khăn. Do vậy, khi Đoàn KT-QP 326 có chủ trương mở lớp xóa mù chữ cho người dân các bản khó khăn trong vùng dự án, anh đã xung phong đứng lớp dạy chữ cho bà con.
Xác định sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Vừ Bả Nọ đã đề xuất với cấp trên nhiều nội dung, biện pháp xây dựng kế hoạch tổ chức, phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân tham gia học lớp xóa mù chữ. Anh Vừ Bả Nọ tâm sự: "Do ban ngày bà con phải đi làm nương rẫy nên mình và các cán bộ Đoàn KT-QP 326 kiên trì đến từng nhà vận động, nói cho bà con hiểu về những lợi ích khi tham gia học xóa mù chữ, đó là: Ngoài việc biết đọc, biết viết, biết tính những phép tính cơ bản, bà con có thể nắm được những thông tin về khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, biết cách dạy con...
Nhờ vậy, bà con đã hiểu ra và đăng ký đến học". Đến nay, lớp học được tổ chức thường xuyên từ 19 giờ đến 21 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần và thu hút được gần 30 người dân trong độ tuổi từ 17 đến 60 tham gia học chữ. Khi mới mở lớp, hầu hết học viên không biết chữ, ngại giao tiếp với thầy cô và người ngoài nên quá trình giảng dạy phải trao đổi bằng cả ba thứ tiếng (Kinh, Thái, Mông). Đến thời điểm hiện tại, các học viên đã tự tin giao tiếp, một số đã đọc thông viết thạo.
Được biết, ngoài việc dạy chữ cho bà con, các TTTTN còn cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân để lồng ghép tuyên truyền vận động nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của địa phương, bài trừ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, sinh đẻ nhiều con; hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào canh tác, không đốt rừng làm nương rẫy... Bằng cách làm thiết thực, bà con trong bản đã mạnh dạn tăng diện tích canh tác lúa nước, áp dụng kỹ thuật tăng gia sản xuất cho hiệu quả năng suất cao hơn các năm trước, cuộc sống dân bản dần thay đổi, tình đoàn kết quân dân thêm gắn bó.
Bài và ảnh: VĂN HÀO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/tan-tuy-gieo-chu-736799