Tận tụy với trò nghèo và mê văn chương
Sau những năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, dù đã nghỉ hưu, thầy giáo Võ Văn Thoại, ở thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) vẫn miệt mài dạy học miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ ở quê và chăm lo công tác giáo dục ở địa phương.'Hội Khuyến học xã rất trân trọng những đóng góp của thầy dành cho những học trò nghèo ở quê và xem đây là mô hình điểm để tiếp tục phối hợp với nhiều cựu giáo chức khác nhân rộng lớp học tình thương, nhằm hỗ trợ con em địa phương khó khăn vươn lên trong học tập'.
Ngoài dạy học, thầy giáo Thoại còn là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, với hơn 80 truyện ngắn đã được xuất bản.
Mở lớp học tình thương
Ngôi nhà nhỏ của thầy giáo Thoại nằm sâu trong xóm nhỏ. Mới đến đầu ngõ tôi đã nghe tiếng đọc bài cùng lời giảng trầm ấm của thầy. Với phấn trắng, bảng đen, vài bộ bàn ghế đơn sơ, “lớp học tình thương” ấy đã được thầy Thoại duy trì hơn 5 năm qua. Học sinh theo học đa số là con em địa phương từ lớp 6 đến lớp 10, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em mồ côi, bố mẹ bỏ nhau, hoặc đi làm ăn xa phải ở với ông bà.
Để chuẩn bị cho học trò bước vào năm học mới, thầy Thoại đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho 30 đứa trẻ ở lớp học, nào là cặp, sách, vở và nhiều dụng cụ học tập cần thiết khác. “Tuổi thơ tôi cũng từng cơ cực, nên khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh học trò còn khổ, tôi rất trăn trở. Chính vì vậy, sau khi về hưu, tôi đã dành thời gian để dạy học miễn phí cho các cháu", thầy Thoại trải lòng.
Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1974, thầy giáo Thoại gắn với sự nghiệp phấn trắng, bảng đen 17 năm tại Trường bán công Nguyễn Huệ, nay là Trường THPT Nguyễn Công Phương (Nghĩa Hành). Sau đó, thầy chuyển công tác về Phòng GD&ĐT huyện Minh Long. Những năm tháng công tác ở miền núi, thương trẻ em vùng cao khó khăn, thầy tận tụy đi kêu gọi, quyên góp quần áo, sách vở cũ để hỗ trợ học sinh.
Trong 5 năm qua, thầy giáo - nhà văn Võ Văn Thoại đã tận tụy dạy miễn phí cho hàng trăm học trò nghèo.
Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp chăm lo giáo dục vùng cao, năm 2015, thầy Thoại nghỉ hưu và gắn bó với công tác dạy học miễn phí cho học trò nghèo ở quê nhà. Ban đầu còn khó khăn, nên ông mượn cơ sở vật chất Trường THCS Hành Thuận để dạy học vào cuối tuần. Từ năm 2019 đến nay, thầy mở lớp dạy học tại nhà. Trong 5 năm qua, mỗi năm lớp học tình thương của thầy Thoại có khoảng 30 học trò theo học.
Em Võ Duy Nghĩa, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Khiết, chia sẻ: “Đối với em, thầy Thoại như người cha. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em không có điều kiện để đi học thêm như các bạn. Nhờ sự tận tình chỉ dạy, củng cố kiến thức và động viên của thầy đã giúp em có thành tích học tập tiến bộ, thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh”.
Hằng ngày, thầy giáo Thoại cần mẫn với việc dạy học miễn phí, thậm chí không có thời gian gặp gỡ bạn bè. Niềm vui của thầy là điểm số giỏi, kết quả thi đỗ đại học, học trò tiến bộ từng ngày. Khi học trò nghèo ốm đau, hoạn nạn, thầy Thoại lại trích tiền lương hưu ít ỏi của mình để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hành Thuận THƯỢNG HUỆ
Đam mê sự nghiệp văn chương
Với bút danh Thoại Văn, hàng chục năm qua, thầy Thoại đã dành tâm huyết để trải lòng mình trong những tác phẩm văn chương. Thầy đã có 6 tập truyện được xuất bản. Năm 2000, thầy Thoại vinh dự được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Tác phẩm đầu tay của thầy Thoại là truyện ngắn “Nợ văn chương” được nhà văn Nguyễn Quang Sáng in trong Tạp chí Văn TP.Hồ Chí Minh (năm 1997). Sau đó, liên tiếp những tập truyện ngắn được xuất bản, trong đó phải kể đến như: Kẻ nợ đời nhau, Mùa lá dong, Bóng chiều, Bóng đỗ, Nắng bạc... và mới đây là tập truyện ngắn Mong manh sợi khói. Ghi nhận những đóng góp của thầy Thoại, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
Hầu hết những sáng tác của thầy Thoại xoay quanh chủ đề về nông thôn, thân phận con người. Trong đó có những câu chuyện ca ngợi sự hy sinh, vất vả của nhà giáo, nhất là ở vùng khó khăn. Hơn 20 năm công tác ở vùng cao đã cho thầy Thoại những trải nghiệm, trăn trở về chuyện nghề, chuyện đời, để từ đó khai thác những khía cạnh khác nhau của đời sống, hóa thân vào nội tâm của từng nhân vật để truyền tải đến người đọc những câu chuyện cảm động, nhân văn...
Từ những tác phẩm của mình, thầy Thoại tỉ mỉ chọn lọc những đứa con tinh thần để cộng tác với một số tạp chí, tờ báo uy tín. Nhuận bút có được, thầy dành để hỗ trợ học trò lúc khó khăn, ốm đau. “Với nhà văn, được viết để thỏa đam mê là hạnh phúc, nhà giáo được dạy học là nguồn vui. Với tôi, còn sống là còn tiếp tục cống hiến”, thầy giáo - nhà văn Thoại Văn bộc bạch.
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã nhận xét: “Thoại Văn là nhà văn thầm lặng. Thầm lặng trong từng con chữ, trong cách nói lặng im đầy sự gửi gắm, nghĩ suy. Nhưng văn của anh minh bạch sáng tối, ai cũng có thể đọc bằng suy nghiệm của riêng mình”.