Tan vỡ giấc mơ lớn

Hãng sản xuất máy bay Airbus đón Lễ Tình nhân năm nay bằng một tin buồn. Họ chính thức tuyên bố chấm dứt sản xuất chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380, từng một thời trở thành niềm tự hào của công nghệ và kỹ thuật hàng không. Giấc mơ lớn đã tan vỡ sau 12 năm.

 Airbus chính thức tuyên bố chấm dứt sản xuất chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380, hôm 14-2.

Airbus chính thức tuyên bố chấm dứt sản xuất chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380, hôm 14-2.

Tổng giám đốc Airbus Tom Enders gọi đây là “một quyết định đau đớn”, bởi hãng đã đổ nhiều nỗ lực, tài nguyên và cả mồ hôi vào chiếc máy bay này. Nhưng với những người hiểu chuyện, quyết định của Airbus không gây ngạc nhiên. Trái lại, nó giống như một tiếng thở phào nhẹ nhõm cho công ty, vốn đang bị đè nặng trong tham vọng của chính mình.

Đây thực sự là khoảnh khắc buồn cho ngành hàng không. Bất kỳ ai trong số 120 triệu hành khách của A380, chắc chắn sẽ có những kỷ niệm đẹp khi lần đầu tiên bước vào chiếc máy bay khổng lồ hai tầng, ghé thăm các quán bar trên chuyến bay, hay đơn giản là ngắm hình dáng rộng rãi của nó. Còn nhớ, lần đầu tiên ra mắt cùng với hãng Singapore Airlines vào năm 2007, Airbus A380 đã thu hút mọi ánh nhìn kèm theo hợp đồng mua 104 chiếc của hãng hàng không Emirates. Vậy mà điều kỳ diệu của chiếc máy bay lớn nhất thế giới chỉ tồn tại trong một thời gian quá ngắn ngủi, có 12 năm.

Nếu ai đó từng ngồi trên chiếc máy bay 800 chỗ, họ sẽ tò mò muốn biết vì sao “vua máy bay” lại buộc phải “hạ cánh” nhanh đến vậy. Đầu tiên phải nói đến kế hoạch kinh doanh không tốt. Tất cả “trứng A380” đều được bỏ chung một giỏ, hãng Emirates, khách hàng lớn nhất của Airbus. Trong số 313 đơn hàng của A380 cho đến nay, Emirates chiếm tới hơn một nửa: 162 chiếc. Đứng vị trí thứ hai là Singapore Airlines, chỉ có 24 chiếc.

Như vậy là sứ mệnh mang lại sức sống cho A380 được trao cho Emirates. Song đúng vào ngày lễ Tình nhân năm nay, hãng này đã cắt giảm đơn hàng từ 162 chiếc xuống còn 123. Tương lai của A380 đã quá rõ. Họ mất khoản đầu tư từ khách hàng lớn nhất.

Ông Tom Enders thừa nhận, do quyết định này, chúng tôi không còn đơn hàng quan trọng nào đáng kể cho A380 và do đó không có cơ sở để duy trì sản xuất, bất chấp mọi nỗ lực bán hàng. Điều này dẫn đến việc Airbus sẽ kết thúc giao hàng A380 vào năm 2021.

Nguyên nhân thứ hai dẫn tới sự sụp đổ của A380 được gọi là “cơn ác mộng hậu cần”. Với sải cánh kéo dài gần 80 mét, động cơ phản lực 4 tuabin lớn,“người khổng lồ” này rất khó khăn khi đi lại trong sân bay.

Các sân bay muốn tiếp nhận nó đều phải thay đổi toàn diện, từ đường băng rộng hơn, phòng chờ lớn hơn và đến nhà chứa máy bay lớn hơn. Đường băng cũng phải được nâng cấp thêm mới chịu được lực cực mạnh của 4 động cơ, thậm chí những tấm biển báo hiệu cũng phải được dịch chuyển hoặc gia cố chắc hơn nếu không sẽ bị... thổi bay.

Những sửa đổi này không hề rẻ. Sân bay quốc tế San Francisco đã phải chi hơn 2 tỉ đô la để xây dựng các nhà ga mới tạo điều kiện thuận lợi cho A380. Cảng vụ của các thành phố New York và New Jersey cũng chi tới 175 triệu đô la cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng dành riêng cho A380. Những nơi khác không có điều kiện, thì chỉ còn cách né tránh đón vị khách to lớn này. Và như vậy thị trường cho A380 bị thu hẹp.

Nguyên nhân thứ 3 là Airbus đã không lường trước được thị hiếu của người tiêu dùng trong du lịch hàng không thay đổi như thế nào. Họ giữ niềm tin rằng du khách thích bay đến những “trung tâm hàng không” như Singapore, Tokyo, New York và các thành phố lớn khác, biến chiếc A380 hai tầng trở thành lựa chọn lý tưởng, với 800 khách mỗi lần, giảm bớt tắc nghẽn cho các cảng hàng không bận rộn.

Tuy nhiên, Boeing lại dự đoán rằng, khách du lịch thích đi các tuyến nhỏ để bay trực tiếp tới các điểm đến, dù máy bay có nhỏ hơn, hay sân bay nhỏ hơn. Vì vậy, họ nhắm vào những máy bay nhỏ với các chuyến bay có thể được lên lịch một cách linh hoạt, phục vụ nhiều nhu cầu hơn.

Cuối cùng là vấn đề chi phí vận hành và hiệu quả. Dù 800 chỗ ngồi của A380 có vẻ ấn tượng nhưng không dễ để lấp đầy. Để tối đa hóa doanh thu, các hãng hàng không đã thực hiện nhiều chính sách giảm giá, khuyến mãi để lấp đầy chỗ ngồi. Với máy bay nhỏ thì dễ hơn. Còn với người khổng lồ A380 thì việc lấp đầy ghế bằng những chính sách khuyến mãi chả giúp ích gì cho chi phí vận hành cao gấp đôi so với các máy bay vận tải lớn khác. A380 ăn gần 30.000 đô la nhiên liệu mỗi giờ so với Boeing 787-9, chỉ ngốn hết khoảng 15.000 đô la một giờ.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285682/tan-vo-giac-mo-lon-.html