Tân xuân, bay lên cùng vận nước!

Trên bản giao hưởng mùa, xuân là nốt nhạc mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khi sâu lắng, lúc hân hoan. Và khi xuân ở độ căng tràn nhất, cũng là lúc những nốt nhạc trầm bổng ấy đan dệt nên khúc hoan ca sự sống, để bay lên cùng vận nước thanh tân...

TP Thanh Hóa vào xuân. Ảnh: Lê Hợi

Lan tỏa hào khí non sông

Đắm mình trong sắc xuân đậm đà và khí xuân đặc biệt - cái không khí phồn vinh riêng có của mùa xuân - khiến một dải non sông gấm vóc tươi đẹp như càng thêm rạo rực sức sống. Để từ đó lan tỏa hào khí ngàn năm - hào khí của tinh thần tự cường và khát vọng quốc gia hưng thịnh vào trong đời sống đương đại.

Nhiều bài học từ những quốc gia phát triển cho thấy rằng, một quốc gia muốn trở nên hưng thịnh không chỉ cần phát huy hiệu quả các nguồn lực, mà còn cần có một động lực rất quan trọng, đó là tầm nhìn và khát vọng vươn lên. Bởi chỉ có khát vọng vươn lên mãnh liệt luôn luôn được bồi đắp, luôn luôn được thôi thúc từ thế hệ này qua thế hệ khác, mới trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội sinh lớn lao để đưa dân tộc ấy vượt lên khó khăn và đột phá phát triển.

Với dân tộc Việt Nam, từ trong trường kỳ lịch sử, khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường và hưng thịnh vẫn luôn là khát vọng xuyên suốt. Cũng chính khát vọng mãnh liệt ấy đã trở thành sợi dây tinh thần “thép”, gắn kết và thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, dù là hùng mạnh nhất, để giành, giữ nền độc lập. Bởi lẽ, một dân tộc vốn gắn với “lời nguyền địa lý” càng thấu hiểu hơn bất kỳ dân tộc nào, rằng chỉ có quốc gia tự cường, dân tộc hưng thịnh thì mới tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất Tổ quốc và dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Từ sâu xa trong lịch sử, cha ông ta đã khảng khái bày tỏ cái khát vọng tự cường cháy bỏng. Đó là Lý Thường Kiệt với áng thơ hào sảng, có ý nghĩa như một “bản tuyên ngôn” chủ quyền dân tộc, rằng: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (“Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” - bản dịch của Trần Trọng Kim). Đó là “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo, được Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi soạn sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành toàn thắng, nhằm khẳng định chủ quyền và khí phách dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”...

Kế thừa tư tưởng và khát vọng tự cường, hưng thịnh của cha ông, đồng thời tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại tiến bộ, trong “Tuyên ngôn độc lập” - bản tuyên ngôn bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; và rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập”. Và trong những dòng cuối của “Di chúc” Người để lại cho dân tộc, cho Nhân dân vẫn vẹn nguyên niềm mong mỏi cháy bỏng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Có thể khẳng định, mong mỏi của bậc tiền nhân và của Bác Hồ đã trở thành đích đến cuối cùng của cách mạng Việt Nam, và là hệ giá trị phát triển cốt lõi của dân tộc Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”!

Dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - với khát vọng tự cường và hưng thịnh cháy bỏng - đã tự mình viết nên những câu chuyện kỳ diệu, những huyền thoại tưởng chừng không tưởng. Đó là hành trình đi lên từ “số 0” đến “huyền thoại”: từ một dân tộc quằn quại dưới gông xiềng nô lệ, đã “vùng dậy sáng lòa” để khẳng định quyền tự quyết, quyền độc độc lập, tự do. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu bị trói buộc bởi cấm vận và vô cùng chật vật trước đổi mới, đã trở thành một “điểm sáng” trên bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giữa bối cảnh nhân loại đang phải đối diện với nhiều thách thức chưa từng có. Bởi vậy mà, Việt Nam được ví như một minh chứng kỳ diệu cho sức sống mãnh liệt và hành trình tranh đấu không ngơi nghỉ cho mục đích cuối cùng là dựng xây đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Nhìn lại thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam dũng cảm và thông minh, đã làm được những điều tưởng chừng như không thể làm được, đã làm cho hiện thực lịch sử trở thành huyền thoại. Bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, dân tộc ta với hoài bão lớn và trí tuệ sáng tạo, sẽ có những ước mơ tưởng như huyền thoại và quyết biến những ước mơ ấy trở thành hiện thực lịch sử”!

Nhân lên khát vọng thịnh vượng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành tựu lịch sử ấy được vun đắp từ quá trình suốt mấy mươi năm nỗ lực trong công cuộc đổi mới đất nước. Nhưng sâu xa hơn, đó là sự chung đúc từ trong hành trình tranh đấu không mệt mỏi trước các thế lực ngoại bang và thiên nhiên khắc nghiệt, cha ông ta vẫn luôn dưỡng nuôi và vun đắp khát vọng hùng cường cho dân tộc. Để cho hậu thế hôm nay tiếp tục kế thừa và phát triển lên tầm cao thời đại mới.

Thành phố Thanh Hóa - một động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Khi tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta chỉ rõ: Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn... Đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vậy, động lực nào giúp Việt Nam có thể “vượt vũ môn” để “hóa rồng”?

Đó là câu hỏi đã trăn trở qua nhiều thế hệ. Để rồi, với tầm nhìn rộng mở và có tính chiến lược, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại”. Ví như, để trở thành một cây đại thụ thì phải bắt đầu từ một hạt mầm. Muốn đất nước phát triển phồn vinh cũng phải bắt đầu từ hạt mầm đầu tiên của khát vọng phồn vinh. Do vậy, cùng với các nhân tố căn bản như quá khứ lịch sử hào hùng; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; kinh tế phát triển... thì việc tiếp tục khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng phồn vinh chính là nhân tố đóng vai trò động lực, nhằm thôi thúc vận nước đi lên theo hướng rồng bay.

Nói cách khác, muốn dân tộc Việt Nam trở nên hùng cường, thì phải chắt chiu những cơ hội và dưỡng nuôi, bồi đắp khát vọng thịnh vượng trong mỗi người. Muốn vậy, vấn đề đặt ra lúc này là phải lấy cơ chế, chính sách làm đòn bẩy để phát huy tinh thần cống hiến trong mỗi người dân. Đồng thời, mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân. Bởi, cái nền tảng đạo lý cốt lõi làm điểm tựa để nuôi dưỡng khát vọng và ý chí dân tộc Việt Nam trong dặm dài lịch sử vẫn luôn là triết lý an dân, vì dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Giữa bối cảnh đầy biến động như hiện nay, thì khát vọng về một Việt Nam tự cường, độc lập và hưng thịnh lại càng trở nên thôi thúc hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có khơi dậy khát vọng lớn lao ấy, mới có thể giương cao ngọn cờ đại đoàn kết mà quy tụ tinh thần đồng lòng, đồng sức, đồng tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thậm chí phải biến sự thôi thúc ấy thành quyết tâm cháy bỏng, rằng “Lúc này hoặc là dân tộc, đất nước tự cường phát triển, thành công hoặc là không bao giờ, bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển, lúng túng trong “bẫy thu nhập trung bình”, để rồi rơi vào trì trệ, suy thoái; phải nêu cao, làm sâu sắc và lan tỏa khát vọng tự cường dân tộc trong tâm trí mỗi người dân, đặc biệt là khát vọng dám dấn thân, dám hy sinh cho lợi ích chung của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược” (GS,TS Nguyễn Đăng Thành và TS Đậu Hương Nam - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng, thành yêu cầu tất yếu. Như một nhận định đã chỉ ra rằng, mặc dù “tăng trưởng kinh tế là phương tiện cơ bản để đạt được phát triển kinh tế”, song “bản thân tăng trưởng lại là một đại lượng không hoàn hảo của sự tiến bộ”. Chính vì lẽ đó, tăng trưởng hướng đến phát triển hài hòa và bền vững giữa kinh tế với văn hóa và môi trường, đã và đang trở thành đòi hỏi có tính cấp bách. Đặc biệt là văn hóa với vai trò “nền tảng tinh thần của xã hội”, là tấm gương phản chiếu tầm cao và chiều sâu vị thế quốc gia - dân tộc, thì càng phải được trân trọng, bảo vệ và phát huy. Văn hóa ở đây không chỉ là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, giàu giá trị; mà văn hóa còn là một phạm trù rộng và mang giá trị của một loại “quyền lực mềm”, với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đang rất cần được khơi dậy và phát huy.

Và đặc biệt, để khát vọng cường thịnh cho dân tộc được thăng hoa và trở thành hào khí non sông, có ý kiến cho rằng, nhất định phải có một lực lượng tiên phong dẫn đạo, mở đường. Tôi luyện từ trong “lò lửa” kháng chiến và mấy mươi năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam - người tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam - đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt. Đó cũng chính là cơ sở vững chắc để đưa dân tộc ta, Nhân dân ta bước vào một cuộc “trường chinh” mới trên nhiều “mặt trận” từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao và quốc phòng - an ninh, nhằm tạo ra thế và lực mới hướng tới dựng xây một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

...

Nuôi dưỡng khát vọng về Việt Nam tự cường, văn hiến và thịnh vượng, suy cho cùng là tạo nền tảng để vun đắp, làm dày thêm các giá trị cốt lõi “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Và chỉ khi khát vọng ấy thấm đẫm trong tâm trí, chuyển hóa thành lẽ sống và trở thành động lực trong hành động của mỗi con người Việt Nam yêu nước, thì khi ấy dân tộc Việt Nam sẽ “đón gió thời đại” để hiện thực khát vọng “hóa rồng”!

Bài và ảnh: Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tan-xuan-bay-len-nbsp-cung-van-nuoc/206768.htm