TAND Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại
Chiều 30/3, TAND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Tòa án tỉnh, kết hợp trực tuyến đến 12 điểm cầu Tòa án cấp huyện.
Dự Hội nghị tại điểm cầu chính có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, lãnh đạo TAND tỉnh, Hòa giải viên cấp tỉnh, Chánh án TAND cấp huyện cùng các Chánh tòa, Trưởng phòng Tòa án tỉnh.
Tại 12 điểm cầu phụ có sự tham gia của các Hòa giải viên, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa cấp huyện.
Theo báo cáo, từ ngày 1/1/2021 - 28/2/2022, TAND hai cấp tỉnh Đồng Tháp đã nhận 13.153 đơn khởi kiện vụ, việc dân sự và khiếu kiện hành chính. Số đơn đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại là 11.281 đơn. Trong đó, đương sự đồng ý hòa giải đối thoại là 2.513 đơn. Số vụ, việc đã hòa giải đối thoại thành là 759 vụ.
Việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại tòa án đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên như: Chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức phù hợp; giúp rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, giảm chi phí đi lại, hàn gắn được mối quan hệ xóm giềng, quan hệ thân thích. Đồng thời giảm được số lượng vụ, việc thụ lý phải giải quyết theo thủ tục tố tụng.
Tại Hội nghị, đại biểu được nghe 6 báo cáo tham luận xoay quanh công tác hòa giải, đối thoại. Qua đó, Hội nghị rút ra được một số kinh nghiệm hay trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại như: Một số Tòa án cấp huyện tạo sẵn mẫu thông báo lựa chọn Hòa giải viên nhằm tiết kiệm thời gian cho người khởi kiện; Hòa giải viên vận dụng những kinh nghiệm công tác, kỹ năng dân vận để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bên nhằm tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn, giải tỏa những bức xúc, từ đó đi đến kết quả hòa giải, đối thoại tại tòa án; thực hiện tư vấn pháp luật chuyên đề “Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” và kết hợp với Phòng Tư pháp, Chi hội Luật gia để tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng như các văn bản liên quan đến những vấn đề cần nắm để người dân hiểu rõ, từ đó giúp người dân thực hiện hiệu quả quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hòa giải, đối thoại.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Trung Tuấn – Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp biểu dương những kết quả đạt được của TAND hai cấp trong công tác hòa giải đối thoại, nhấn mạnh lợi ích của việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại tòa, đồng thời đưa ra những đánh giá thực tế về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải đối thoại trong thời gian qua. Từ đó, nêu lên những đề xuất, kiến nghị phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại tòa của đơn vị.
Đến nay, số lượng hòa giải viên của Tòa án hai cấp tỉnh Đồng Tháp là 70 (trong đó có 7 Hòa giải viên Tòa án tỉnh và 63 Hòa giải viên của Tòa án cấp huyện). Đa số các Hòa giải viên được bổ nhiệm là Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư đã về hưu, có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nên tạo được sự tín nhiệm của người dân khi lựa chọn hòa giải, đối thoại trước khi yêu cầu tòa án thụ lý vụ án.