TAND huyện Ea H'Leo (Đăk Lăk): Vì dân, vì nước, không ngại khó khăn
Là tòa án cấp huyện chỉ có một hội trường xét xử nhưng lại có số lượng án lớn nhất các tỉnh Tây Nguyên. Đứng trước khó khăn đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo đơn vị đã có những chỉ đạo, phân công giải quyết án một cách khoa học.
Xây dựng phương án xét xử đầu năm khoa học
Một buổi sáng cuối năm 2019, từ Tp.Pleiku (Gia Lai), tôi đã bắt chuyến xe sớm nhất để đến với TAND huyện Ea H’Leo của tỉnh Đăk Lăk. Phải đến gần trưa tôi mới đến được với TAND huyện Ea H’Leo.
Tiếp tôi là Chánh án Bùi Quốc Hà cùng hai Phó Chánh án của đơn vị. Sau khi được dẫn đi thăm quan một vòng quanh Tòa, tôi hết sức bất ngờ vì đơn vị chỉ có một hội trường xét xử. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nghe đồng chí Phó Chánh án cho biết số lượng án thụ lý giải quyết của đơn vị này. Phó Chánh án Nguyễn Thanh Long cho biết: “Tòa án huyện Ea H’Leo thụ lý 1.152 vụ, việc; giải quyết 1.034 vụ, việc; còn lại 118 vụ, việc đạt tỷ lệ 89%. Trong đó, các loại án còn tồn đọng đều trong thời hiệu xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Thấy tôi chưa hết tò mò, ngạc nhiên, Phó Chánh án Nguyễn Thanh Long cười hiền hòa, khoát tay “đồng chí đừng nóng vội”. Sau khi rót xong ly trà, vị Phó Chánh án tiếp tục câu chuyện: Tất cả các Thư ký của đơn vị hiện đã xuống các xã, các làng để tống đạt các quyết định cũng như làm việc với các đương sự. Ea H’Leo là một huyện lớn nhất tỉnh, vì thế từ trung tâm đi về xã xa nhất cũng lên đến 40-50km. Trời mưa khô thì không sao, nhưng mưa xuống là đường lầy lội, chính vì yêu nghề, làm vì cái tâm nên các cán bộ, công chức trong đơn vị đã không quản ngại khó khăn, quyết chí vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về vấn đề phòng xét xử chỉ có một nhưng lượng án quá lớn, điều đó đòi hỏi ngay từ đầu năm, lãnh đạo đơn vị phải có phương án giao nhiệm vụ đến từng Thẩm phán, yêu cầu lên kế hoạch, chỉ tiêu giải quyết án hàng tháng. “Nếu các Thẩm phán để án tồn đọng, tất nhiên sẽ trùng hội trường xét xử. Vì vậy, ngay từ đầu năm, lãnh đạo đơn vị đã lên kế hoạch, phân chia lượng án cụ thể nên đến nay dù chỉ một hội trường nhưng không có sự trùng lặp cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án”, Phó Chánh án Long nhấn mạnh.
Tôi thấy trong nụ cười của đồng chí Phó Chánh án còn chứa chất bao tâm sự, nhiều trăn trở. Thẩm phán Long chia sẻ thêm, ngành Tòa án là một ngành đặc thù, vậy nên khi 2-3 Thẩm phán cùng ngồi chung một phòng làm việc sẽ dẫn đến ảnh hưởng trong quá trình đối thoại, hòa giải. Nhất là khi các đương sự có những lời lẽ to tiếng, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc của các Thẩm phán ngồi kế bên.
Được người dân tin tưởng
Là một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, bởi thế tính cộng đồng trong dân rất cao nên rất nhiều vụ, việc khi cán bộ Tòa án xuống họ đều yêu cầu giải quyết theo luật, tục. Đơn cử như việc ly hôn có chia tài sản của người dân tộc Ê Đê, theo chế độ mẫu hệ, người vợ làm chủ gia đình, vì vậy khi phân chia tài sản, chồng phải ra đi tay trắng để lại toàn bộ cho vợ. Đứng trước khó khăn này, Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân (là người dân tộc tại chỗ, có uy tín), đứng ra giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu được chính sách, pháp luật của nhà nước. Nghe xong, người dân đã đồng ý để HĐXX giải quyết vụ án theo đúng quy định.
Và một chuyện hy hữu vẫn thường xuyên gặp phải trong cuộc sống, đó là khi người dân thấy cán bộ Tòa án xuống nhà để tống đạt giấy giờ, không cần biết nội dung sự tình thế nào, người dân cứ chửi bới, chống đối cho “sướng” cái miệng đã. Bởi bản thân họ nghĩ, khi cán bộ Tòa xuống, ắt hẳn phải có vi phạm. Nói thế để thấy được ngành tòa án vất vả như thế nào trong công việc “giữ vững cán cân công lý”, nhất là đối với các cán bộ, công nhân viên chức của Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo.
Vậy nhưng, vượt lên tất cả, đơn vị này ngoài việc thực thi pháp luật, còn làm tốt công tác kết nghĩa buôn, làng. Hiện, buôn Krai thuộc xã Ea Sol từ khi được Tòa án huyện nhận kết nghĩa đến nay 100 % người dân chăm chỉ làm ăn, nói không với tà đạo Tin lành Đêga. Bàn ghế sinh hoạt cộng đồng, quà cho các hộ nghèo mỗi khi đến các ngày lễ tết đều được Tòa án huyện đến trực tiếp trao tặng.
"Niềm vui được nhân lên, mỗi khi chứng kiến thấy sau mỗi phiên hòa giải thành, các bên hạnh phúc, bắt tay nhau vui vẻ ra về. Như vậy, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình tránh được xung đột. Có nhiều đương sự sau đó, còn rủ nhau mang con gà, con cá lên tặng các anh em”, Phó Chánh án Nguyễn Thanh Long nói trong niềm hạnh phúc.