TAND tiết kiệm 100 tỷ đồng nhờ xét xử trực tuyến

Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.

Tiết kiệm 100 tỷ đồng nhờ xét xử trực tuyến. Ảnh minh họa: VGP.

Tiết kiệm 100 tỷ đồng nhờ xét xử trực tuyến. Ảnh minh họa: VGP.

Tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân diễn ra chiều 16/6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử của ngành tòa án nhân dân (TAND) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, ngành tòa án đã triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Cùng với đó, xét xử trực tuyến đã được triển khai tại tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.

Ngành tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, đã tích hợp hơn 168.000 văn bản; hơn 1,4 triệu bản án; hơn 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày.

"Việc chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử đã tạo ra những giá trị lớn lao của xã hội. Đây là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp, giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. Thực hiện kế hoạch xây dựng tòa án điện tử, thời gian qua, tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của tòa án. Qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

"Việc chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử đã tạo ra những giá trị lớn lao của xã hội. Đây là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp, giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. Thực hiện kế hoạch xây dựng tòa án điện tử, thời gian qua, tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của tòa án. Qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của ngành TAND góp phần phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số ngành TAND. Đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số còn chậm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu. Chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao.

Cùng với đó, hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu còn nhiều hạn chế và an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng yêu cầu ngành tòa án hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành TAND, phát triển tòa án điện tử. Sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) để tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.

Nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số. Đẩy mạnh hiện đại hóa ngành TAND nhất là phát triển hạ tầng số gồm trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ. Phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của TAND được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.

Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến. Đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đồng thời nghiên cứu, tích hợp ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp tòa án.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tand-tiet-kiem-100-ty-dong-nho-xet-xu-truc-tuyen-post35741.html