TAND tỉnh Lâm Đồng 'ngâm' vụ án tranh chấp tài sản đến bao giờ?

Vụ án tranh chấp tài sản đã được TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận cách đây đã hơn 2 năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn cứ 'loanh quanh, trì trệ' không đưa ra xét xử, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tài sản thừa kế đang bị xâm phạm

Hồ sơ vụ việc thể hiện, ngày 21/8/2008, ông Nguyễn Hiền và vợ là bà Nguyễn Thị Liễu đã lập di chúc với nội dung cho con trai là ông Nguyễn Hải (trú tại 69A, Bạch Đằng, phường 7, TP Đà Lạt) số tài sản bao gồm: 383,55m2 đất thổ cư và nhà có diện tích 123,47m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); 5.839m2 đất đã được cấp GCNQSDĐ và 2.000m2 đất chưa được cấp GCNQSDĐ.

Nội dung di chúc nêu rõ, toàn bộ số tài sản liệt kê nêu trên người thừa hưởng di chúc không được mua bán sang nhượng. Lợi nhuận thu được từ tài sản để lại được dùng vào tu bổ xây dựng và lễ lạt cho dòng họ, số còn lại người sử dụng tài sản được quyền tiêu dùng. Bản di chúc được lập tại phường 7, TP Đà Lạt và có xác nhận của chính quyền địa phương.

Ngày 21/8/2008, ông Nguyễn Hiền và vợ là bà Nguyễn Thị Liễu đã lập di chúc để lại tài sản cho con trai là ông Nguyễn Hải (trú tại 69A, Bạch Đằng, phường 7, TP Đà Lạt.)

Năm 2013, bà Nguyễn Thị Liễu chết, năm 2015, ông Nguyễn Hiền chết. Sau khi ông Hiền, bà Liễu chết, người được thừa kế tài sản theo di chúc là ông Hải đã làm thủ tục sang tên đối với 383,55m2 đất thổ cư và 621m2 đất nông nghiệp. Đối với diện tích đất còn lại tại tổ 1 Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt đang được bà Trương Thị Yên, ông Nguyễn Phúc thuê của ông Hiền để sử dụng với giá 16.500.000 đồng/năm.

Liên quan đến số tài sản mà ông Hiền, bà Liễu để lại có trong bản di chúc, ông Hải và anh chị em trong nhà đã nhiều lần yêu cầu ông Phúc tiếp tục thực hiện việc thuê đất như đã ký với ông Hiền, bà Liễu hoặc trả lại đất nhưng ông Phúc không đồng ý. Đồng thời, ông Phúc đã có đơn khởi kiện gửi TAND TP Đà Lạt cho rằng bản di chúc ông Hiền và bà Liễu để lại cho ông Hải là bản di chúc giả và yêu cầu Tòa án giải quyết chia đất nông nghiệp cho các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu.

Vậy, bản di chúc do ông Nguyễn Hiền và vợ là bà Nguyễn Thị Liễu lập năm 2008 là thật hay giả? Về việc này, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND phường 7, TP Đà Lạt cho biết: Bản di chúc này hoàn toàn hợp pháp và được lập theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng xác nhận “Chữ ký xác nhận vào bản di chúc này là của nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Phụng”, do đó, việc nói bản di chúc này giả là không đúng, lãnh đạo UBND phường 7 nhấn mạnh.

Tòa dưới chuyển lên, Tòa trên để đấy

Liên quan đến quá trình thụ lý và xét xử vụ án nói trên. PV báo Nhà báo & Công luận đã làm việc với bà Nguyễn Thị Diệu Nga, Phó Chánh án TAND TP Đà Lạt, qua trao đổi bà Nga cho biết: Trước đó, ngày 3/12/ 2019, TAND TP Đà Lạt đã có quyết định số 36 chuyển toàn bộ văn kiện hồ sơ thụ lý số 96/2019/TLST –DS ngày 6/5/2019 về quan hệ tranh chấp “Yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp, yêu cầu chia tài sản” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phúc, bị đơn là ông Nguyễn Hải lên TAND tỉnh Lâm Đồng để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và TAND tỉnh Lâm Đồng đã nhận được toàn bộ văn kiện hồ sơ này.

Trước sự việc trên, PV tiếp tục liên hệ với TAND tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ TAND tỉnh Lâm Đồng về việc vấn đề này (?).

Đến bao giờ TAND tỉnh Lâm Đồng mới đưa vụ án tranh chấp tài sản ra xét xử công khai?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Ngô Thị Thúy, Công ty Luật TNHH Chính Đại (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích. Thứ nhất, về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án:

Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì “Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý”. Như vậy, khi có căn cứ xác định hồ sơ thụ lý số 96/2019/TLST–DS ngày 6/5/2019 về quan hệ tranh chấp “Yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp, yêu cầu chia tài sản” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phúc, bị đơn là ông Nguyễn Hải không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Đà Lạt mà thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh Lâm Đồng thì TAND TP Đà Lạt phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án này cho TAND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, TAND TP Đà Lạt tiến hành xóa tên vụ án này trong sổ thụ lý.

TAND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm thụ lý lại hồ sơ vụ án này và thực hiện các trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để tiến hành giải quyết, xét xử vụ án này.

Trường hợp từ ngày tiếp nhận hồ sơ cho đến nay, TAND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa thụ lý vụ án, chưa thực hiện các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án này là vi phạm quy định về việc thụ lý vụ án, vi phạm quy định về thời hạn giải quyết vụ án được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các đương sự trong vụ án.

Thứ hai, về nội dung vụ án: Theo luật sư Thúy, mấu chốt của vụ án này là cần xem xét giá trị pháp lý của Di chúc mà ông Nguyễn Hiền và bà Nguyễn Thị Liễu để lại. Do di chúc củavợ chồng ông Nguyễn Hiền, bà Nguyễn Thị Liễu đã được lập ngày 21/8/2008 nên cần áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực tại thời điểm lập di chúc để xác định di chúc có hợp pháp hay không? Căn cứ vào khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật”.

Điều 657 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:“Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.

Như vậy, trường hợp di chúc của vợ chồng ông Hiền, bà Liễu đã được chứng thực hợp pháp tại UBND phường đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của ông bà thì di chúc này đáp ứng các điều kiện của một di chúc hợp pháp. Di chúc này phát sinh hiệu lực pháp luật tại thời điểm hai ông bà chết.

Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong vụ án, TAND tỉnh Lâm Đồng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong việc thụ lý và giải quyết vụ án, tránh để tranh chấp kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân - Luật sư Thúy cho biết.

Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tand-tinh-lam-dong-ngam-vu-an-tranh-chap-tai-san-den-bao-gio-post172435.html