TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế: Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm 15 Hòa giải viên
Chiều 20/01, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên TAND hai cấp. Đến dự có ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong đợt này, có 15 hòa giải viên được bổ nhiệm cho cấp tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, bổ nhiệm hòa giải viên phải đảm bảo điều kiện: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên VKSND, Chấp hành viên thi hành án Dân sự, Thanh tra viên hoặc Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác. Triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thực hiện các hướng dẫn, TAND tỉnh đã tiến hành thông báo, làm các thủ tục bổ nhiệm Hòa giải viên.
Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án TAND tỉnh TT Huế, Nguyễn Văn Bường nhấn mạnh: Đây là một chính sách mới, quan trọng và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, sự ra đời của luật này không chỉ giảm lượng án tồn đọng của hệ thống Tòa án mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Cùng với kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm công tác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các Hòa giải viên cần tiếp tục nâng cao kiến thức, trình độ, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, góp phần cùng TAND hai cấp làm tốt công tác đối thoại, hòa giải…
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân... Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận của các bên bằng quyền lực của Nhà nước, góp phần giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đi vào cuộc sống, tạo ra phương thức giải quyết tranh chấp mới, trong đó đương sự là chủ thể chính, là người thiết kế quy trình, đề xuất phương án, quyết định kết quả. Hòa giải viên đóng vai trò kết nối nhằm hướng đến sự đồng thuận của các bên; giúp cho các đương sự hiểu, thông cảm với nhau, giảm bớt mâu thuẫn, tranh chấp, ngăn ngừa tội phạm có nguồn gốc từ tranh chấp, khiếu kiện.