TAND tối cao giải đáp nhiều vướng mắc trong giải quyết án hình sự, dân sự
Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, TAND tối cao vừa có văn bản giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án hình sự, dân sự để các TAND và Tòa án quân sự, các đơn vị thuộc TAND tối cao áp dụng thống nhất pháp luật.
Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, TAND tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về một số vướng mắc khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 2/8/2021, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC gửi các TAND và Tòa án quân sự, các đơn vị thuộc TAND tối cao giải đáp một số vướng mắc trong xét xử. Đây được xem là văn bản rất cần thiết để các cấp Tòa án nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn xét xử một cách kịp thời, hiệu quả.
Đối với vướng mắc có nội dung: Trong vụ án hình sự có đồng phạm bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với đồng phạm khác là người phạm tội có vai trò không đáng kể, không trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm tội thì khi xét xử có được cho hưởng án treo không?
Nội dung trên, theo TAND tối cao: Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo thì người phạm tội là người côn đồ thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
Như vậy, trường hợp người phạm tội bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, đối với vụ án hình sự có đồng phạm, khi xét xử Tòa án phải xem xét, đánh giá tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của từng đồng phạm để xác định có thuộc trường hợp “phạm tội có tính chất côn đồ” hay không.
Có Tòa án nêu vướng mắc: Do có mâu thuẫn nên P, L đã đánh nhau với Y. Y đã dùng lưỡi dao lam gây thương tích cho P 14%, L 44%. Vậy Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại hai Điểm c, d Khoản 3 hay chỉ Điểm c hoặc Điểm d Khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự?
Trường hợp này, TAND tối cao cho rằng, Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm c Khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Y còn gây thương tích cho P 14% nên khi lượng hình cần xem xét cả hậu quả này.
Trường hợp bị cáo phạm tội lúc chưa đủ 70 tuổi. Tại thời điểm xét xử, bị cáo đã trên 70 tuổi thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hay không?
Nội dung này, TAND tối cao khẳng định: Quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự không phân biệt người phạm tội là người đã đủ 70 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp khi phạm tội bị cáo chưa đủ 70 tuổi nhưng trong quá trình xét xử họ đã đủ 70 tuổi trở lên thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” đối với họ.
Đối với giải quyết các vụ án dân sự, có Tòa án nêu vướng mắc: Nhà đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông A, bà B. Ông A làm giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C (việc giả chữ ký đã được chứng minh thông qua việc giám định). Sau khi chuyển nhượng, ông A, bà B vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất. Sau đó, C dùng tài sản này để thế chấp khoản vay tại Ngân hàng. Vậy, giao dịch thế chấp tại Ngân hàng có bị vô hiệu không? Nếu vô hiệu thì có trái với mục 1 Phần II của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự, tố tụng hành chính không?
Nội dung này, TAND tối cao cho rằng, Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.
Trường hợp này, việc ông A giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C mà không được bà B đồng ý, nên căn cứ Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên là vô hiệu.
Sau khi nhận chuyển nhượng, C dùng tài sản này thế chấp khoản vay tại Ngân hàng nhưng khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, Ngân hàng không thẩm định, xác minh nên không biết ông A, bà B vẫn quản lý, sử dụng nhà đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông A, bà B biết việc thế chấp tài sản này. Trong trường hợp này, bên nhận thế chấp tài sản (Ngân hàng) không phải là người thứ ba ngay tình theo quy định tại Khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và mục 1 Phần II của Công văn số 64/TANDTC-PC, do vậy, hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu.
Một vướng mắc khác được các Tòa án đề cập đó là: Ông A vay của Ngân hàng 1 tỉ đồng, thời hạn vay 1 tháng kể từ ngày 2/1/2017, lãi suất 2% tháng. Sau thời hạn 1 tháng ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 3/2/2017 đến ngày 3/2/2020, Ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?
Nội dung trên, TAND tối cao cho rằng, theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp "Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Do đó, Ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.