'Tảng băng chìm' bên dưới vụ kiện tụng trên sân băng Olympic
Bình luận gay gắt của dân mạng về các vận động viên trượt băng tốc độ tại Olympic Bắc Kinh chỉ là bề nổi của những tranh chấp văn hóa - lịch sử đã tồn tại từ lâu giữa Trung - Hàn.
Người Hàn Quốc cực kỳ tức giận khi 2 trong số những vận động viên môn trượt băng tốc độ bị loại khỏi Olympic Bắc Kinh 2022. Người hâm mộ trên mạng xã hội còn kêu gọi đội tuyển rút lui để thể hiện sự phản đối.
Tuy nhiên, đội Hàn Quốc không bỏ cuộc. Vận động viên Hwang Daeheon đã giành huy chương vàng cự ly thi đấu 1.500 m nam giữa tuần vừa qua, giúp Hàn Quốc có danh hiệu thứ 4 ở bộ môn này trong 6 kỳ Thế vận hội.
Hwang và đồng đội Lee Junseo bị loại trong trận bán kết 1.000 m hai ngày trước đó. Nhiều người tố phía Trung Quốc đã có hành vi chơi xấu khiến đội tuyển Hàn Quốc phải khiếu nại lên Liên đoàn Trượt băng Quốc tế và Ủy ban Olympic Quốc tế.
AP nhận định lần phản đối và tức giận của Hàn Quốc trong môn thể thao này chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn hơn, nhấn mạnh sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 quốc gia tại Đông Bắc Á. Từ đốm lửa nhỏ, hai bên bất đồng ngày càng sâu sắc, bất chấp mối đe dọa luôn hiện hữu từ đồng minh của Trung Quốc là Triều Tiên.
Vấn đề không chỉ nằm ở sân băng
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc nói rằng qua nhiều thế kỷ, người Hàn Quốc đã áp dụng các phong tục của họ và tìm cách biến chúng thành của mình. Người Hàn Quốc lại cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt tính độc đáo trong văn hóa của họ và cáo buộc Bắc Kinh chiếm đoạt văn hóa.
Gần đây nhất, tại lễ khai mạc Olympic vào tuần trước, một phụ nữ mặc bộ hanbok màu trắng và tím nhạt - đại diện cho dân tộc Triều Tiên - cùng đại diện của các dân tộc Trung Quốc diễu hành với quốc kỳ nước này tại sân vận động Tổ Chim, Bắc Kinh.
Làn sóng phẫn nộ bao trùm mạng xã hội Hàn Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc cũng phản bác lại, khẳng định sự thống trị văn hóa và cáo buộc vận động viên trượt băng Hàn Quốc cố tình phạm lỗi để tìm kiếm lợi thế trên đường đua.
Mặc dù chưa chứng minh được mối liên hệ, vụ hành hung một sinh viên ở thành phố Busan của Hàn Quốc hôm 9/2 khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố quan ngại bất thường.
Trung Quốc cũng khuấy động chủ nghĩa dân tộc bằng cách ra mắt tác phẩm điện ảnh phản ánh vai trò của quân đội Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ năm 1950-1953, kết thúc mà không có hiệp ước hòa bình.
Trượt băng tốc độ vòng ngắn, môn thể thao mà các vận động viên liên tục chen lấn để giành vị trí trong một đường đua chật hẹp không có làn, từ lâu cũng gây đã gây ra đã những tranh cãi gay gắt.
Nhưng sự gay gắt hiếm khi đạt tới mức khiến người Hàn Quốc phẫn nộ đến vậy trong tuần này. Phản ứng này nhấn mạnh những thất vọng dồn nén từ nhiều năm tranh chấp về lịch sử và văn hóa - đồng thời dấy lên nỗi lo lắng về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hàn Quốc bước vào Olympic Bắc Kinh với kỷ lục 24 huy chương vàng trong các kỳ Olympic trước đây, nhiều hơn gấp đôi huy chương vàng của Trung Quốc. Nhưng việc Hwang và Lee bị truất quyền thi đấu vì phạm luật khiến Hàn Quốc có khởi đầu chậm chạp.
Hàng loạt bài xã luận của Hàn Quốc cáo buộc Trung Quốc lạm dụng lợi thế sân nhà, thậm chí một tờ báo còn để tiêu đề: “Cứ để nước chủ nhà Trung Quốc lấy hết huy chương đi”.
Tranh chấp trượt băng chuyển sang chính trị khi các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc đã chỉ trích nước chủ nhà Olympic với cáo buộc “ăn cắp huy chương trong môn thể thao mà đất nước này đã tự hào thống trị trong nhiều năm”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul công khai tỏ rõ thái độ khó chịu trên mạng xã hội, bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về việc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Hàn Quốc ủng hộ “tình cảm chống Trung Quốc”. Tuy nhiên, đại sứ quán cũng nhanh chóng chúc mừng Hwang với chiến thắng ở cự ly 1.500 m, đồng thời cho biết người dân Trung Quốc có quan điểm “tích cực” về “kỹ năng xuất sắc” của anh.
Tờ báo Global Times tìm cách hạ thấp tranh cãi, đồng thời chỉ ra những lo lắng của Hàn Quốc về “địa chính trị khu vực, cũng như sự phụ thuộc vào Mỹ về an ninh”.
“Một số chuyển hướng tình cảm này sang Trung Quốc. Đó là lý do những sự cố nhỏ đôi khi lại leo thang”, một bài xã luận đăng tải hôm 11/2.
Quá nhiều mâu thuẫn
Hàn Quốc và Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ nhờ thương mại từ đầu những năm 1990. Mối quan hệ xấu đi trong những năm gần đây khi Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn đối với các nước láng giềng, trong khi cạnh tranh với Washington để giành ảnh hưởng trong khu vực.
Năm 2017, Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Quyết định này khiến Trung Quốc tức giận vì cho rằng hệ thống này có thể được cấu hình lại để nhìn trộm lãnh thổ của Bắc Kinh.
Bắc Kinh trả đũa bằng cách cấm các tour du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc, xóa sổ hoạt động kinh doanh của tập đoàn siêu thị khổng lồ Lotte, tập đoàn cung cấp đất để lắp đặt hệ thống tên lửa.
Bên cạnh chính trị, xích mích còn xuất phát từ các vấn đề văn hóa, thậm chí bao gồm cả nguồn gốc của kim chi, món ăn quốc dân của Hàn Quốc làm từ bắp cải lên men mà Trung Quốc tuyên bố là do họ chế tạo.
Các bên cũng đang có tranh chấp về lịch sử các vương quốc cổ đại có lãnh thổ trải dài từ Bán đảo Triều Tiên đến Mãn Châu.
Người Hàn Quốc coi các vương quốc này là của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc bắt đầu coi là một phần lịch sử quốc gia từ đầu những năm 1980. Chuyên gia cho rằng mục đích của Bắc Kinh là hỗ trợ ý thức hệ cho chính sách quản lý các dân tộc thiểu số, bao gồm khoảng hai triệu người dân tộc Triều Tiên sống ở vùng đông bắc Trung Quốc.
Trước sức nóng của chiến dịch tranh cử tổng thống diễn ra vào tháng 3, ứng cử viên Lee Jae-myung cảnh báo việc Trung Quốc soán ngôi văn hóa Hàn Quốc.
Người phát ngôn của ông liên kết việc người mẫu mặc hanbok tại lễ khai mạc với sự tức giận của người Hàn Quốc về dự án học thuật do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn khởi động vào đầu những năm 2000 về tranh chấp lịch sử này. Họ đưa ra một loạt nghiên cứu tranh luận các vương quốc Goguryeo và Balhae là của người Trung Quốc.
Yoon Suk Yeol, đối thủ của ông Lee, cũng sử dụng chủ đề này và tuyên bố Goguryeo và Balhae là “những phần sáng chói trong lịch sử Hàn Quốc”.