Tặng bằng khen cho người dân tiêu biểu trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Ngày 20/3, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh giữa các đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm phát huy vai trò cấp ủy, các ngành, chính quyền các cấp quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC); chủ động giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ BTHTTĐC tại các dự án...
Nội dung thi đua gồm tổ chức thực hiện công tác BTHTTĐC các dự án trên địa bàn, hoàn thành tiến độ đúng kế hoạch. Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua phải xác định công tác BTHTTĐC là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo thực hiện thành công, tăng cường công tác phối hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Tuyên truyền phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác BTHTTĐC, lợi ích của các dự án khi triển khai thực hiện; phát huy các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt đến nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân bị ảnh hưởng các dự án.
Tiêu chuẩn thi đua là tổ chức thực hiện công tác BTHTTĐC và bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch; không để xảy ra tình trạng khiếu nại gay gắt, phức tạp; không để xảy ra vi phạm liên quan đến công tác BTHTTĐC; có thành tích xuất sắc trong công tác vận động, tuyên truyền, hạn chế thấp nhất các yêu cầu, khiếu nại.
Những đơn vị bàn giao mặt bằng sớm hơn kế hoạch, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt cao hơn thì được xem xét khen thưởng thêm đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Về hình thức khen thưởng, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong tổ chức thực hiện công tác BTHTTĐC đạt và vượt theo kế hoạch của từng dự án.
Đối với huyện/thị xã/thành phố, xã/phường/thị trấn hoàn thành trước thời gian quy định, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét thưởng mức cao hơn so với quy định (từ nguồn xã hội hóa).
Hậu Giang là tỉnh có điểm giao cắt của hai tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang huyết mạch của vùng ĐBSCL. Trong đó, cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau đi qua Hậu Giang 63km, chiếm 57% chiều dài toàn tuyến (110km), với hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, tỉnh Hậu Giang xây dựng 4 khu tái định cư tổng vốn 246 tỷ đồng.
Còn với dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt dự án thành phần 3 với chiều dài gần 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng. Với dự án này, tỉnh Hậu Giang xây dựng 2 khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.