Tăng biên chế cho cấp phường: Rất cần!

Đề xuất tăng biên chế công chức phường cho TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng được Bộ Nội vụ đưa ra đã nhận được sự đồng tình của các địa phương

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng. Dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng.

Tính biên chế công chức phường theo dân số

Bộ Nội vụ cho rằng với mức bình quân biên chế công chức phường theo quy định hiện hành là 15 người, các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng không chủ động điều chỉnh được số lượng biên chế công chức phường giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Trong khi đó, quy mô dân số và khối lượng công việc giữa các phường không đồng đều. Chẳng hạn, ở TP HCM, phường có dân số thấp nhất là An Lợi Đông (TP Thủ Đức) với 1.215 người trong khi phường có dân số cao nhất là Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với 125.894 người.

Từ đó, Bộ Nội vụ đề xuất tại TP HCM, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc thành phố thuộc TP HCM có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân thì cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Tại TP Đà Nẵng, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc quận được xác định như sau: có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Còn tại TP Hà Nội, Bộ Nội vụ đề xuất phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc thị xã có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Công chức giải quyết công việc tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU

Công chức giải quyết công việc tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU

Đáp ứng mong mỏi, giải tỏa áp lực

Ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - nhìn nhận áp lực công việc lớn đối với một bộ phận công chức cấp phường cùng một số nguyên nhân khác đã dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, rời bỏ khu vực công. Do đó, đề xuất phân bổ biên chế công chức cấp phường theo quy mô dân số là phù hợp, nhằm giải quyết bất cập đang diễn ra ở các thành phố lớn.

Theo bà Trần Thị Minh Vân - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - bộ phận Một cửa của phường mỗi ngày phải giải quyết số lượng hồ sơ rất lớn trong khi định biên tối đa chỉ được 15 công chức. Việc tăng biên chế đáp ứng mong mỏi của các đơn vị cấp phường, giải tỏa áp lực công việc cho các phường ở thành phố lớn.

Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - phường có dân số đông nhất TP Hà Nội với khoảng 83.000 người - nhận xét việc tăng biên chế công chức cấp phường theo quy mô dân số là hợp lý để đáp ứng yêu cầu công việc. Số lượng biên chế 15 người/phường hiện nay khiến cán bộ chịu áp lực quá tải công việc, đặc biệt là bộ phận Một cửa.

Đồng quan điểm, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cũng cho rằng việc tăng biên chế cấp phường cho địa phương là phù hợp với thực tế. TP Đà Nẵng có dân cư đông, khối lượng công việc phát sinh nhiều nên không thể cào bằng với một số địa phương khác, chẳng hạn địa phương miền núi có công việc cần xử lý không nhiều.

Ông Đinh Hữu Phúc - Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho hay phường này có số dân đông nhất trên địa bàn. Với khối lượng công việc giải quyết mỗi ngày rất lớn, cán bộ phường thường xuyên phải làm thêm giờ, thậm chí phải làm cả ban đêm. "Việc tăng biên chế theo số lượng dân cư của từng phường là cần thiết để vừa bảo đảm công việc được xử lý trôi chảy vừa không gây áp lực nặng nề lên cán bộ" - ông Phúc nêu quan điểm.

Trước đó, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định tại Nghị định 33/2021 từ bình quân 15 người/phường thành 17 người/phường đối với phường có 30.000 dân trở xuống. Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức. Kiến nghị này dựa trên thực tế việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương. Hiện bình quân dân số một phường của TP HCM nhiều gấp 1,89 lần so với quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tăng số lượng đi đôi với chất lượng

Góp ý về dự thảo nghị định, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua đã làm giảm số lượng biên chế công chức ở các phường, tạo thêm dư địa về biên chế để các địa phương bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Lưu ý, Bộ Chính trị đã quyết định biên chế cấp phường cho 3 thành phố lớn nêu trên giai đoạn 2022-2026 là 7.035 người. Trong khi đó, với đề xuất như đã nêu, số lượng biên chế công chức phường của 3 thành phố sẽ tăng thêm 1.143 biên chế so với quy định hiện hành. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan cần được xem xét thận trọng. Các địa phương tính toán, rà soát khả năng cân đối đủ nguồn biên chế hay không để bảo đảm tính khả thi của quy định.

MINH CHIẾN - BÍCH VÂN - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tang-bien-che-cho-cap-phuong-rat-can-20230314215231304.htm