Tăng chế tài, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023 do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức.
Gia tăng ùn tắc và hành vi chống người thi hành công vụ
Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ TNGT, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 90 vụ (giảm 1,07%), giảm 60 người chết (giảm 1,24%), tăng 216 người bị thương (tăng 3,87%). Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ: Nhìn vào con số này có thể thấy tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban ATGT cũng nêu rõ vấn đề ùn tắc giao thông lại diễn biến phức tạp. Cả nước đã xảy ra 97 vụ (tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm 2022), trong đó cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương 12 vụ; Hà Nội 10 vụ; TP Hồ Chí Minh 8 vụ; Tiền Giang 8 vụ; Lâm Đồng 5 vụ; Bình Dương 5 vụ…
Nguyên nhân tắc đường do TNGT 62 vụ (chiếm 63,92%), sạt lở đất 13 vụ (13,4%), lưu lượng phương tiện đông 7 vụ (chiếm 7,22%); sự cố phương tiện 5 vụ (5,15%), mưa lớn 4 vụ (chiếm 4,12%); nguyên nhân khác 6 vụ (chiếm 6,19%).
Tại Hà Nội, dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng qua rà soát trên địa bàn từ đầu năm đến nay phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, nâng tổng số điểm đen ùn tắc lên 37 điểm. Ngoài nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, thì còn nguyên nhân do các rào chắn thi công các dự án gây hẹp lòng đường (17 điểm); do hạ tầng chưa đồng bộ (10 điểm) và do quá tải kết cấu hạ tầng (10 điểm). Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, vào đầu năm 2023, trên địa bàn Thành phố có 24 điểm đen TNGT.
Qua theo dõi, đến tháng 6 năm 2023 có 3 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 10 điểm không chuyển biến. Tại khu vực trong và ngoài cảng hàng không Tân Sân Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5, 2/9
Đáng chú ý, gia tăng hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 44 vụ, tăng 23 vụ (+109%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hà Nội 7 vụ; TP Hồ Chí Minh 4 vụ; Bình Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, mỗi địa phương 3 vụ; Lâm Đồng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Tuyên Quang, Bắc Kạn mỗi địa phương xảy ra 2 vụ; Đồng Nai, Hưng Yên, Điện Biên, Lào Cai, Đồng Tháp, Hải Dương, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Sơn La, Quảng Bình, Long An mỗi địa phương xảy ra 1 vụ; tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra 1 vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 21 đồng chí bị thương; bắt giữ 44 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 23 vụ (+109%). Trong đó có 19 vụ người vi phạm có sử dụng rượu, bia (chiếm 43,18%).
Đề nghị Bộ Công an duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, TNGT tại Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng cả 3 tiêu chí. Nguyên nhân là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, chiếm hơn 70% với các lỗi chủ yếu như lưu thông không đúng phần đường, làn đường; vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng; không bảo đảm khoảng cách an toàn và thiếu chú ý quan sát. Trong đó, lỗi tránh vượt không đúng quy định là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT có nhiều người tử vong nhất.
Điển hình là vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra giữa xe khách Thành Bưởi và xe môtô tại Km04, quốc lộ 20, đoạn qua huyện Thống Nhất làm chết tại chỗ 2 người vào lúc 21h ngày 23/7/2023. Tiếp sau đó là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cũng giữa xe khách Thành Bưởi và xe khách 16 chỗ tại Km48, quốc lộ 20, đoạn qua huyện Định Quán vào lúc 2h40 sáng ngày 30/9/2023 làm chết 5 người, bị thương 4 người. Ngoài ra, còn do lưu lượng, mật độ phương tiện giao thông tăng cao trên các tuyến giao thông chính trên địa bàn.
Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, ngay sau khi vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Km48, quốc lộ 20 qua huyện Định Quán, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình vụ TNGT, đồng thời kiến nghị lắp đặt dải phân cách giữa trên toàn tuyến và bổ sung hệ thống chiếu sáng bên hướng tuyến còn lại, nhằm hạn chế TNGT đối đầu do các phương tiện tránh vượt không đúng quy định. Đối với tuyến Quốc lộ 1, kiến nghị tiếp tục lắp đặt bổ sung dải phân cách giữa đoạn tuyến còn lại với chiều dài 34km, đồng thời bổ sung hệ thống chiếu sáng bên hướng tuyến còn lại trên toàn tuyến. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị khẩn trương thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến quốc lộ 51, đặc biệt là sửa chữa hư hỏng mặt đường, khôi phục các vạch sơn mòn, mờ để tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.
Đồng thời, Ban ATGT tỉnh này cũng kiến nghị Bộ Công an sớm triển khai Đề án lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định 165 của Thủ tướng Chính phủ trên tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó ưu tiên Quốc lộ 20 và Quốc lộ 51 nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện, sớm phát hiện và xử lý các vi phạm về TTATGT, phòng ngừa TNGT.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia cần tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND ban hành hướng dẫn bảo đảm TTATGT để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT khi cần thiết. Tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích mổ xẻ những bất cập trong hoạt động quản lý, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô và hành vi thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô gây TNGT để từ đó kiến nghị những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới…
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị về phía Bộ Công an duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có GPLX điều khiển môtô, nhất là các trường hợp gây TNGT. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tích hợp thông tin khám sức khỏe lái xe lên hệ dữ liệu quốc gia để dùng chung, qua đó cho phép các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể truy cập tham khảo các thông tin sức khỏe lái xe khi cần thiết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương, Bộ trưởng cho rằng, các quy định pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi được triển khai hiệu quả tại địa phương. Từ đó, đề nghị các địa phương vừa tuyên truyền vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm TTATGT của học sinh. Các địa phương làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.