Tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho người khuyết tật
Chiều 20/11, Hội thảo 'Thách thức và giải pháp trong sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận ở Việt Nam' đã được tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hội luôn quan tâm, chú trọng việc cung cấp thông tin, sách báo, tài liệu cho người khiếm thị trong cả nước.
Từ năm 2018, Hội đã phối hợp với UNDP cùng chung tay với các Bộ, ngành thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố. Hiệp ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6/3/2023.
Mặc dù đã đạt những bước tiến quan trọng, song thực tế cho thấy sách, tài liệu được sản xuất dưới định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in vẫn còn rất thiếu thốn.
Để góp phần giải quyết những khó khăn trên, tháng 10/2023, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với UNDP đã tổ chức khóa tập huấn về sản xuất sách dễ tiếp cận EPUB và chữ Braille cho Hội Người mù, các thư viện và một số trường dạy trẻ khiếm thị, trẻ khuyết tật trong cả nước.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Patrick Haverman - Phó đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận với sách ở các định dạng dễ tiếp cận không phải là một điều xa xỉ hay chỉ là phục vụ sở thích đọc sách, mà là một quyền cơ bản của con người liên quan đến cơ hội tiếp cận tri thức cho người khuyết tật không đọc được chữ in.
"Đọc và học là điều cần thiết cho sự phát triển cá nhân, hòa nhập xã hội và trao quyền kinh tế. Do đó, chúng ta có nghĩa vụ chung là đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau hoặc không nên nói về những khó khăn để từ chối cơ hội được tiếp cận sách của họ" - ông Patrick Haverman cho biết.
Đại diện UNDP cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam ban hành hướng dẫn rõ ràng và chi tiết cho các tổ chức, thư viện và nhà xuất bản được ủy quyền để hoàn thành vai trò tương ứng của mình trong việc sản xuất, phân phối sách ở định dạng dễ tiếp cận càng sớm càng tốt. Và điều này không chỉ tốt cho riêng người khuyết tật mà có lợi cho sự phát triển chung của cả xã hội.
Hội thảo cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu về “Thực trạng tiếp cận xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in ở Việt Nam” do Hội Người mù Việt Nam và UNDP thực hiện năm 2022 -2023, khảo sát trên 1.217 người khuyết tật chữ in, chủ yếu là người khuyết tật nhìn.
Theo đó, 62,1% người khuyết tật được hỏi cho rằng “Sách/tài liệu khoa học tự nhiên” dưới định dạng dễ tiếp cận còn rất khan hiếm hoặc không có. Thậm chí, có tới 44,5% cho biết “Sách giáo khoa/tài liệu học tập” dưới định dạng dễ tiếp cận cũng rất khan hiếm hoặc không có, dù đây là những xuất bản phẩm cơ bản.
Còn đó những khó khăn
Ông Tạ Ngọc Trí - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT) khẳng định, trong Luật Người Khuyết tật, Luật Giáo dục cũng như các văn bản khác đã khẳng định học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước tạo điều kiện cho người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Từ đó, ông Tạ Ngọc Trí cũng đề nghị các nhà trường quan tâm đến việc trang bị bản chữ nổi sách giáo khoa cho học sinh khuyết tật nhìn, lập dự toán ngân sách mua tài liệu học tập, đồ dùng dùng chung cho các em hàng năm.
Sách là nguồn thông tin, tri thức vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với người khiếm thị, người khuyết tật nhận thức, rối loạn khả năng đọc hiểu, người khuyết tật thể chất không thể cầm nắm, lật giở trang sách, không thể đưa mắt để đọc ở mức độ bình thường thì việc tiếp cận sách còn gặp rất nhiều rào cản.
Theo ước tính của Hiệp hội người mù Thế giới, chưa đến 10% sách được chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận như chữ nổi, âm thanh, sách điện tử, chữ in lớn dành cho các đối tượng nói trên. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này dưới 1%.
Sự thiếu thốn tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận đã ngăn cản hàng chục triệu người không có khả năng đọc chữ in trên khắp thế giới phát huy tối đa tiềm năng con người; hạn chế cơ hội tiếp cận hoạt động giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe cũng như hầu hết mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.