Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế cho bà con
Là địa bàn có hơn một nửa dân số là người dân tộc thiểu số và có tới 14 dân tộc anh em sinh sống, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã có những biện pháp đặc thù để phát triển kinh tế xã hội và xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đoàn cán bộ xã tham quan mô hình nhà thư viện sách của trường Tiểu học Minh Đài, Phú Thọ
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Đài chia sẻ về công tác xóa đói giảm nghèo tại xã.
Xin bà cho biết đặc thù kinh tế và phân bổ dân cư tại xã Minh Đài, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo tại xã?
Minh Đài là một xã miền núi của huyện Tân Sơn với trên 1.600 hộ dân, tổng số 6.443 nhân khẩu. Đặc biệt, xã có tới 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào người Mường chiếm 55,68%, 0,87% là các dân tộc Dao, Mông, Tày, Thái, Hoa, Nùng, Sán Dìu, Mnông, Thổ, Dáy, Hà Nhì, Si La. Toàn xã có 10 khu dân cư, trong đó có 2 khu đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 5,05%, hộ cận nghèo còn 2,74%. Mặc dù xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2018, nhưng các vấn đề liên quan đến giảm nghèo vẫn đang được xã tích cực giải quyết.
Trong đó, xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất, sản lượng lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng nguồn lực kinh tế cho bà con. Cùng với đó, xã cũng tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; chính sách xã hội, giải quyết việc làm; bảo đảm an sinh xã hội.
Một số mô hình kinh tế mà xã đã định hướng, hỗ trợ cho người dân góp phần giảm nghèo, tăng giàu hiệu quả là gì, thưa bà?
Xã đã tạo điều kiện hỗ trợ để bà con xây dựng mô hình từ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội. Điển hình như mô hình phát triển kinh tế đồi rừng, thu mua và chế biến chè búp tươi hộ gia đình chị Hương ở khu Tân Trào. Mô hình chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản khu Đồng Phú đã có 10 hộ gia đình tham gia. Mô hình trồng chè kết hợp chăn nuôi lợn hộ chị Lê khu Tân Lập. Một số mô hình trang trại như trang trại hiệu quả như gia đình chị Vân Ba, chị Thanh Tâm, chị Vinh Trường, chị Nga…. Hàng tháng các trang trại này đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Nhìn chung các mô hình đều phát huy được hiệu quả của các nguồn vốn vay và tập hợp được quần chúng cũng như hội viên phụ nữ tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, xã có những giải pháp nào để hỗ trợ các hộ gia đình giảm nghèo, làm giàu?
Hiện tại việc tìm các giải pháp để giúp đỡ đối với các hộ gia đình nghèo và phụ nữ nghèo gặp rất nhiều khó khăn, thường số hộ nghèo của xã hiện còn rất thấp so với mặt bằng chung của huyện (hộ nghèo ít nhất huyện), đại đa số là hộ có người già, hết tuổi lao động, người khuyết tật, gia đình có người thân ốm đau, bệnh tật dài ngày, bệnh trọng, người thần kinh…
Công tác hỗ trợ tìm việc làm và giải quyết việc làm cho các đối tượng này thường không đạt hiệu quả cao. Xã đã tìm các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ một phần khó khăn trong cuộc sống. Số các hộ không thuộc các đối tượng nêu trên xã đã phối hợp với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể làm công tác tuyên truyền để nhân dân tiếp cận với cơ hội làm việc.
Từ năm 2020 đến thời điểm hiện tại, xã đã tuyên truyền và triển khai khá hiệu quả nhiệm vụ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động gắn đào tạo nghề; phối hợp đào tạo nghề cho 25 lượt lao động/năm. Số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trong 3 năm gần đây là 295 người, trong đó xuất khẩu lao động 71 người, cả các hộ không nghèo.
Trong thời gian tới, xã sẽ thực hiện các giải pháp gì để giảm nghèo, tăng giàu tại địa phương, nhất là đối với số hộ nghèo và cận nghèo còn tồn tại?
Xã tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững. Phát triển công nghiệp và các cơ sở chế biến chè, dịch vụ. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu trình độ phát triển xã hội cũng như thu nhập và đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt để duy trì và nâng cáo các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng Nông thôn mới.
Tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền cấp trên triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; đặc biệt quan tâm nhằm đến đối tượng yếu thế trong xã hội như hộ nghèo, cận nghèo, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, phụ nữ nghèo làm chủ hộ.