Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện
Theo kế hoạch, vào ngày 23-4 tới đây, Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và Lễ hội du lịch biển năm 2022 sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Để xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách trong bối cảnh 'bình thường mới', bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng du lịch và người dân, TP Sầm Sơn đang siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh, đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch.
Hướng tới kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022
Hòn Trống Mái là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất thu hút đông đảo du khách đến tham quan khi về với Sầm Sơn.
Hòn Trống Mái là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất và thu hút đông đảo du khách đến tham quan khi về với Sầm Sơn. Đặc biệt mới đây, thành phố vừa tổ chức Lễ hội tình yêu - Hòn Trống Mái thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần tạo điểm nhấn cho Sầm Sơn trước giờ mở cửa du lịch. Để tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, du lịch và đón, phục vụ du khách bảo đảm các yếu tố an toàn, thân thiện, TP Sầm Sơn đã tiến hành chỉnh trang lại các ki-ốt, hàng quán, biển bảng quảng cáo theo kích thước đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị; các ki-ốt được phép bán hàng lưu niệm, giải khát, tạp hóa phục vụ du khách tham quan. Đồng thời, bố trí 1 khu vui chơi phía sau ki-ốt số 1, gồm 1 trò chơi đu quay, 2 trò chơi tàu lượn, 1 trò chơi xe đụng được sắp xếp gọn, sạch, đẹp; bố trí 1 điểm dịch vụ xe ôm đối diện với Đội Quản lý trật tự du lịch, bố trí đậu đỗ đúng quy định, không được ép khách đi xe, người làm dịch vụ phải mặc áo đồng phục, đeo thẻ, giá dịch vụ thỏa thuận và bảo đảm an toàn giao thông khi phục vụ du khách. Ngoài ra, trong khuôn viên Hòn Trống Mái, thành phố cho chỉnh trang 2 điểm dịch vụ in ảnh; bố trí 24 quầy hàng giải khát, lưu niệm, bánh kẹo.
Cùng với Hòn Trống Mái, các điểm đến tín ngưỡng - tâm linh như đền Cô Tiên, đền Độc Cước... thành phố cũng cho chỉnh trang lại khuôn viên, sắp xếp các ki-ốt bán hàng lưu niệm, nước giải khát, biển quảng cáo, bãi đỗ xe, nơi vui chơi, vệ sinh môi trường... Đồng thời, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải đảm bảo cảnh quan môi trường, trật tự đô thị; không được tự ý cơi nới, lấn chiếm, làm bán bình, mái che che chắn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, làm mất mỹ quan đô thị và khu di tích. Các mặt hàng phải có bảng niêm yết và bán theo giá niêm yết, có hóa đơn thanh toán với khách hàng; có trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ di tích và các công trình quốc phòng... Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi bán hàng rong, tẩm quất dạo, ăn mày, ăn xin, bói tay, rút thẻ; đặt bát hương thờ cúng; chăn thả gia súc, gia cầm, đặc biệt là ngựa, đà điểu trong khuôn viên Hòn Trống Mái...
Một trong những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại là chèo kéo khách, chặt chém giá và ăn mày, ăn xin. Đây cũng là tình trạng từng khá phổ biến và tác động không nhỏ đến hình ảnh du lịch Sầm Sơn nhiều năm trước. Chính vì vậy, thành phố đã và đang tiếp tục tập trung quản lý và giải quyết tốt tình trạng người lang thang ăn xin, người bán hàng rong trên khuôn viên bãi biển và trên địa bàn thành phố... nhằm bảo đảm môi trường văn hóa du lịch, giảm bớt sự phiền hà, bức xúc, khó chịu cho du khách và góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đó, thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng, các ngành, đoàn thể và chính quyền các xã, phường phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong quá trình giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin trên địa bàn. Cụ thể, yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu triển khai phương án quản lý người lang thang ăn xin; đồng thời chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện phương án; chỉ đạo các xã, phường thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết ngăn ngừa tình trạng ăn xin là người địa phương...
Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố rà soát, lập danh sách người lang thang ăn xin thường xuất hiện trên trục đường phố chính, đường Hồ Xuân Hương và khuôn viên bãi biển, để có kế hoạch trả về địa phương nơi đối tượng cư trú; dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương khu vực khuôn viên bãi biển lựa chọn vị trí thích hợp gắn một số biển tuyên truyền “TP Sầm Sơn nói không với tình trạng ăn xin”; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lực lượng để tiếp nhận, vận chuyển, nuôi dưỡng các trường hợp ăn xin chưa xác định được nơi cư trú... Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thành phố, các đội quản lý trật tự du lịch và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, lập phương án, điều tra, xác minh các đối tượng cầm đầu, tổ chức, bảo kê các trường hợp ăn xin, để răn đe, nếu cần phối hợp với các ngành có liên quan lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật...
Là đô thị du lịch biển, do đó, bảo đảm an toàn cứu hộ, cứu nạn biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được thành phố đặc biệt quan tâm. Để có mùa du lịch 2022 an toàn, thành phố đã xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu biển. Trong đó nêu rõ thời gian và địa giới tắm biển (vị trí từ khu vực phía Bắc chân đền Độc Cước đến Khu du lịch Vạn Chài dài khoảng 3,5km). Đồng thời, xác định thời gian cao điểm hoạt động cứu hộ tắm biển từ ngày 10-4 đến ngày 9-9-2022. Vị trí trực gồm: khu vực gần bờ bố trí các nhân viên cứu hộ trực ở các bãi tắm A, B, C, D (tổ 1 từ chân đền Độc Cước đến đường Tây Sơn; tổ 2 từ đường Tây Sơn đến đường Tống Duy Tân; tổ 3 từ đường Tống Duy Tân đến đường Hai Bà Trưng; tổ 4 từ đường Hai Bà Trưng đến giáp Khu du lịch Vạn Chài); khu vực xa bờ bố trí tổ 5 được trang bị mô tô nước, tàu tuần tra và dải cờ phao tiêu để cảnh báo và cứu hộ. Bên cạnh đó, công tác sơ cấp cứu cũng được bố trí tại 5 chốt ở các bãi tắm A, B, C, D và Trung tâm Sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ TP Sầm Sơn. Ngoài ra, các quy định về cứu hộ tắm biển và tìm kiếm trẻ lạc, người già được thông báo rộng rãi, thường xuyên trên hệ thống phương tiện truyền thanh bãi biển để Nhân dân và du khách biết, nghiêm chỉnh chấp hành.
Ngoài các phương án kể trên, TP Sầm Sơn cũng xây dựng và quyết liệt triển khai các phương án quản lý, sắp xếp việc kinh doanh dịch vụ du lịch trên các tuyến đường chính, cũng như quy định rõ các tuyến đường không được phép kinh doanh buôn bán trên địa bàn thành phố; phương án quản lý kinh doanh dịch vụ nhiếp ảnh; phương án quản lý giá đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ; phương án tổ chức giao thông; phương án quản lý các dịch vụ xe điện, xích lô; bãi đỗ xe... Với các hành vi vi phạm, thành phố sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Với việc ban hành tới 19 phương án quản lý dịch vụ kinh doanh, TP Sầm Sơn cho thấy sự nghiêm túc, quyết liệt trong việc cải thiện môi trường du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho du lịch Sầm Sơn.