Tăng cường bảo vệ môi trường làng nghề

Đến nay, có 45 làng nghề trên địa bàn các huyện đã được phê duyệt phương án BVMT làng nghề theo quy định, gồm: Xuân Trường có 7 làng nghề, Nghĩa Hưng có 5 làng nghề, Nam Trực có 15 làng nghề, Giao Thủy có 1 làng nghề, Trực Ninh có 9 làng nghề, Mỹ Lộc có 1 làng nghề, Ý Yên có 6 làng nghề, thành phố Nam Định có 1 làng nghề. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 142 làng nghề, làng nghề truyền thống. Tổng hợp báo cáo kết quả hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của UBND các huyện thì các xã có làng nghề đều đã thành lập tổ tự quản về môi trường làng nghề kết hợp với việc thành lập tổ, đội thu gom xử lý rác thải sinh hoạt; hầu hết các cơ sở hoạt động trong làng nghề đã có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định. Đến nay, có 45 làng nghề trên địa bàn các huyện đã được phê duyệt phương án BVMT làng nghề theo quy định, gồm: Xuân Trường có 7 làng nghề, Nghĩa Hưng có 5 làng nghề, Nam Trực có 15 làng nghề, Giao Thủy có 1 làng nghề, Trực Ninh có 9 làng nghề, Mỹ Lộc có 1 làng nghề, Ý Yên có 6 làng nghề, thành phố Nam Định có 1 làng nghề.

Tái chế nhôm tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).

Tuy nhiên, trong số các làng nghề, làng nghề truyền thống trên toàn tỉnh, có 16 làng nghề, làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường (6 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, còn 10 làng nghề chưa được UBND tỉnh công nhận); có nhiều làng hình thành nghề mới không được khuyến khích phát triển và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như làng nghề cô đúc nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực); làng nghề cơ khí Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); làng nghề đúc nhôm xã Hải Vân (Hải Hậu). Qua kết quả kiểm tra, rà soát cuối năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho thấy: Nhận thức, ý thức của người dân về BVMT còn nhiều hạn chế, nguồn vốn ít nên việc đầu tư cho BVMT trong quá trình sản xuất hầu hết chưa được quan tâm. Các hộ sản xuất xen lẫn trong khu dân cư do vậy khó thực hiện việc xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về BVMT. Cụ thể: chưa thu gom xử lý khí thải, nước thải phát sinh mới chỉ xử lý sơ bộ, chưa đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường; chưa thực hiện phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định. Hiện nay vẫn còn một số xã có làng nghề của huyện Hải Hậu chưa lập phương án BVMT theo quy định. Một số cơ sở sản xuất trong làng nghề thuộc địa bàn các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định chưa có hồ sơ, thủ tục về BVMT theo quy định. Kinh phí đầu tư và xử lý nước thải của các làng nghề lớn trong khi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xử lý ô nhiễm còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các làng nghề chưa tách riêng hệ thống thu gom nước thải sản xuất và nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường (trừ làng nghề Bình Yên đã được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung và làng nghề Vân Chàng đã đầu tư hồ lắng thu gom nước thải). Các làng nghề chưa có khu thu gom, xử lý chất thải rắn riêng mà vẫn thu gom, xử lý chung tại khu xử lý rác thải của địa phương. Việc quy hoạch BVMT nông thôn chưa được thực hiện, phát sinh thêm một số làng có nghề có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm trong khu vực dân cư nông thôn; vẫn còn hiện tượng thành lập mới các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc danh mục ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề. Bộ máy nhân sự làm công tác quản lý về môi trường ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tế tại địa phương. Đối với cấp xã, đặc biệt là các xã có làng nghề, nguồn nhân lực làm công tác BVMT hiện nay đang rất thiếu, chưa có khả năng vận hành các công trình xử lý nước thải đã được bàn giao.

Để khắc phục các bất cập kể trên, hiện nay, các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 15-7-2017 của UBND tỉnh quy định về trách nhiệm về BVMT trên địa bàn tỉnh, trong đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác BVMT tại các làng nghề. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT đến cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, thúc đẩy sự quan tâm giám sát của cộng đồng đối với việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có làng nghề lập phương án BVMT làng nghề trình UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thường xuyên kiểm tra, rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở phát sinh mới hoặc cơ sở chưa có hồ sơ pháp lý về BVMT phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định; tăng cường biện pháp quản lý công tác BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Đối với những làng nghề hoạt động sản xuất có công đoạn gây ô nhiễm môi trường không được mở rộng sản xuất, không để mở thêm cơ sở sản xuất mới, phải có biện pháp di dời các cơ sở sản xuất có công đoạn gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư và cam kết lộ trình thực hiện cụ thể việc di dời các cơ sở sản xuất ra các CCN. Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí khác cho quản lý môi trường; quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật về BVMT làng nghề. Về lâu dài, để các làng nghề phát triển bền vững, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện quy định trách nhiệm về BVMT làng nghề, trong đó tập trung vào làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm làng nghề; tham mưu giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Sở Công Thương hướng dẫn các cơ sở sản xuất CN-TTCN triển khai áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn; hướng dẫn kiểm tra an toàn sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề, nhất là các làng nghề gây ô nhiễm môi trường; phối hợp UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trong làng nghề; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức kinh tế tập thể (bao gồm cả các ngành nghề, làng nghề, HTX CN-TTCN). Công an tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật và kiến nghị biện pháp khắc phục; phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các sở, ngành có liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, xem xét, đánh giá các công đoạn, quy trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề; lựa chọn các cơ sở sản xuất, công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại, giảm thiểu chất thải, không gây ô nhiễm môi trường để áp dụng, trình diễn, công bố, nhân rộng. Sở Tài chính tham mưu phân bổ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho hoạt động BVMT làng nghề; tập trung đầu tư xây dựng công trình BVMT, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT cho các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cơ chế chính sách, phân bổ nguồn vốn cho chương trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT cho các làng nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202003/tang-cuong-bao-ve-moi-truong-lang-nghe-2536482/