Tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trong tình hình mới
Ngày 15-4, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu trực tuyến thành phố Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì.
Ngày 15-4, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu trực tuyến thành phố Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì.
Cháy lớn gia tăng, thiệt hại nặng nề
Đánh giá tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho biết, tình hình cháy, nổ hiện nay có diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội những năm gần đây dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại hình cơ sở nguy hiểm cháy nổ tại địa phương như cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, chung cư, nhà cao tầng… Qua phân tích, mặc dù số vụ cháy lớn chỉ chiếm 1,08% nhưng thiệt hại về người và tài sản do cháy lớn gây ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường.
Theo đó, thống kê của Bộ Công an trong 3 năm gần đây, cả nước đã xảy ra 10.030 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.911,3 tỷ đồng và khoảng 30.901,9 ha rừng. Trong đó, xảy ra 118 vụ cháy lớn, làm chết 30 người, bị thương 72 người, gây thiệt hại về tài sản lớn ước tính khoảng 4.036,1 tỷ đồng và 193 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 205 người, bị thương 436 người. So với cùng kỳ 3 năm trước, số vụ cháy lớn tăng 26 vụ, thiệt hại tài sản tăng 151,9 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng…
Cũng theo phân tích của Bộ Công an, loại hình cơ sở xảy cháy lớn chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như sản xuất, chế biến gỗ, cơ sở da giày, dệt may,kho, bãi hàng hóa, vật tư, chợ… Các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra ở loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà chung cư cao tầng và các cơ sở kinh doanh có điều kiện vui chơi, giải trí tập trung đông người. Điển hình như vụ cháy chung cư Carina ở TP Hồ Chí Minh làm 13 người chết, 51 người bị thương; vụ cháy tại nhà hàng Ruby ở tỉnh Đồng Nai làm 7 người chết…
Lấy phòng ngừa làm trọng tâm
Để phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, thời gian qua, Bộ Công an đã tham mưu và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác PCCC và CNCH. Trong đó, bên cạnh các công tác điều tra cơ bản, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến PCCC thì công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH đạt được nhiều kết quả với nội dung, hình thức được đổi mới.
Nhiều cơ quan thông tấn, phát thanh, truyền hình có uy tín tham gia tuyên truyền, ưu tiên dành nhiều thời lượng, chương trình, chuyên mục, chuyên đề về công tác PCCC&CNCH, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi như: Chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ PCCC&CNCH" của VTV3, "Cà phê sáng" của VTV1, "Bản tin Alo 114" của truyền hình ANTV; phối hợp xây dựng 52 tập phim "Lửa ấm" về chủ đề PCCC&CNCH phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam, qua đó tạo dấu ấn, hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH.
Tại hội nghị, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng triển khai Văn bản số 07/HD-BCA-C07 ngày 31-3-2021 của Bộ Công an hướng dẫn về việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý và phát động đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, thời gian thực hiện từ ngày 15-4 đến 15-10.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị các đơn vị trực thuộc và người đứng đầu Công an các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục làm tốt công tác tham mưu các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH. Chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý; nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về PCCC theo hướng tăng cường giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn. "Hệ thống pháp luật về PCCC&CNCH của Việt Nam là tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và trong tình hình mới. Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, hoàn thiện các hành lang pháp lý để bắt nhịp được tốc độ phát triển cũng như nhu cầu của kinh tế xã hội", Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH. Tập trung tuyên truyền về an toàn sử dụng điện, gas, hóa chất và các giải pháp thoát nạn với hình thức tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu và lựa chọn khung thời gian phù hợp. Ngoài ra, cần áp dụng các tiến hộ, khoa học kỹ thuật vào PCCC để cảnh báo cháy sớm, ngăn chặn cháy ngay từ lúc mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. "Nơi nào, địa phương nào không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn để gia tăng về số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người thì thủ trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", Thiếu tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.