Tăng cường biện pháp truy bắt đối tượng tham nhũng trốn ở nước ngoài

Bộ Công an đang tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ tội phạm.

Thảo luận tại hội trường sáng 26/11, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay là có một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài. Việc truy bắt một số đối tượng này vẫn chưa hiệu quả, có nguyên nhân do giữa Việt Nam vào một số nước chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp.

Theo đại biểu, việc ký các hiệp định tương trợ tư pháp cần được đặt ra như thế nào thì báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ. Chính phủ cũng chưa đặt ra việc tổng kết, việc triển khai Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước khác để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng đang trốn ở nước ngoài. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới nội dung này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lương Tam Quang tại phiên thảo luận sáng 26/11. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Bộ trưởng Lương Tam Quang tại phiên thảo luận sáng 26/11. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Phản hồi ý kiến đại biểu tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an đang tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ tội phạm.

“Căn cứ theo từng nước, chúng tôi đang dần làm từng bước. Thời gian qua, chúng ta đã bắt và xử lý dẫn độ những đối tượng mà trong đó có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác. Thời gian tới, trên tinh thần này chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những hiệp định liên Chính phủ để chúng ta thực hiện nội dung này tốt hơn,” Bộ trưởng nói.

Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới hết sức tinh vi như hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng. Hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng; các đường dây hoạt động tín dụng đen qua mạng; mua bán các mặt hàng mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử; tấn công mạng... đang trở thành mối nguy cơ hiện hữu hàng ngày, hàng giờ nếu người dân không tỉnh táo.

Theo đại biểu, với một đất nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội lớn, để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại cho người dân thì chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn các hành động lừa đảo, vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội.

“Từ đó, tôi đề nghị Chính phủ cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn về các nguồn lực cho các lực lượng tham gia làm công tác đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình cho người dân, đề xuất ban hành chế định nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác này trước mắt và trong dài hạn,” đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm mạng để người dân được biết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Chuẩn hóa thông tin về thuê bao di động, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

“Ngoài ra, muốn đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, tôi đề nghị Chính phủ cần đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo các điều kiện làm việc cho các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm,” đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất.

Đại biểu Đoàn An Giang nêu thêm, hiện nay tội phạm sử dụng máy tính, mạng viễn thông cũng như các phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm phi truyền thống và siêu quốc gia. Vì vậy cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, tiến hành ký kết các hiệp định về tương trợ tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác theo dõi và thúc đẩy an ninh mạng ở khu vực và quốc tế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công an nói, Bộ Công an đang tiếp tục kiến nghị xây dựng các quy phạm pháp luật để làm tốt và quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả hơn những hoạt động lợi dụng không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tang-cuong-bien-phap-truy-bat-doi-tuong-tham-nhung-tron-o-nuoc-ngoai-36000.html