Tăng cường các giải pháp ngăn chặn nhập lậu đường cát
Nhằm góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những tháng gần đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cùng các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó đặc biệt quan tâm chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đối với mặt hàng đường cát từ biên giới Việt - Lào về nội địa diễn biến hết sức phức tạp với phương thức thủ đoạn tinh vi, manh động. Theo đánh giá của lực lượng QLTT, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường là hàng hóa sau khi được nhập lậu qua biên giới, các đối tượng nhanh chóng tập kết đưa lên xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ, thường lợi dụng đêm tối hoặc thời gian giao ca của lực lượng chức năng để vận chuyển đường nhập lậu bằng xe khách, xe tải, xe hạ tải, cất giấu lẫn lộn với hàng hóa nông sản, hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khác để vận chuyển về nội địa tiêu thụ.
Một số đối tượng lợi dụng hồ sơ mua bán đường nhập lậu bị tịch thu của cơ quan chức năng để quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa đường nhập lậu. Tại huyện Hướng Hóa, ở các lối mở, đặc biệt là trên sông Sê Pôn, đường cát được vận chuyển bằng thuyền, rồi cập vào các bến đò cạnh khu dân cư. Tiếp đó, đường cát được đưa về nội địa bằng xe ôtô trên tuyến Quốc lộ 9…
Đường cát Thái Lan xuất hiện tràn lan trên thị trường với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch. Hiện giá đường trắng nhập lậu vào nước ta chỉ ở mức 16.400 - 16.800 đồng/kg, thấp hơn giá đường vàng trong nước. Tình trạng buôn lậu đường không chỉ vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của nhà nước mà còn khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ.
Xác định công tác chống buôn lậu đường cát là nhiệm vụ trọng tâm, Cục QLTT đã tham mưu BCĐ 389 địa phương đề nghị các ngành tăng cường kiểm tra và quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ để chống buôn lậu đường trên địa bàn có hiệu quả. Mới đây, vào ngày 4/9/2022, Đội QLTT số 1 phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 50H-128.45 do lái xe Trần Hoài Long, địa chỉ 34/9 Tam Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh điều khiển.
Qua kiểm tra đã phát hiện trên xe vận chuyển 7 tấn đường cát trắng loại 50 kg/bao do Thái Lan sản xuất. Số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm theo quy định. Hàng hóa có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam. Chủ sở hữu số hàng hóa trên là bà Lê Thị Như Ý, địa chỉ số 1 Chu Mạnh Trinh, Phường 5, TP. Đông Hà. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ hàng hóa vi phạm hành chính. Ngày 12/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu với số tiền 55 triệu đồng và tịch thu hàng hóa vi phạm gồm 7 tấn đường cát.
Triển khai việc kiểm tra cơ sở có dấu hiệu kinh doanh đường cát nhập lậu, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ - Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Lê Thị Gái, ở số 15 Nguyễn Viết Xuân, Khu phố 5, Phường 5, TP. Đông Hà.
Qua kiểm tra hóa đơn, chứng từ liên quan đến mặt hàng đường cát từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022, bà Lê Thị Gái xuất trình 28 tờ hóa đơn mua vào và 222 tờ hóa đơn bán hàng, cho thấy đã mua vào hơn 227 tấn đường cát với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng và bán ra hơn 214 tấn đường cát với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Đối chiếu hóa đơn chứng từ mua vào, bán ra và hàng hóa tồn kho thực tế, nhận thấy hộ kinh doanh Lê Thị Gái có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Cụ thể xuất bán hơn 51 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất nhưng chưa xuất hóa đơn bán hàng theo quy định. Đội QLTT số 1 đã chuyển vụ việc đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra 31 vụ liên quan đến mặt hàng đường cát, trong đó xử lý 30 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 322 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa tịch thu hơn 462 triệu đồng. Tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh, thời gian tới, Cục QLTT tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát nhập lậu trên địa bàn.
Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nguyễn Viết Thế cho biết: “Đơn vị tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, theo dõi các phương thức thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tập kết, tàng trữ các mặt hàng đường cát từ tuyến biên giới Việt - Lào nhập lậu vào địa bàn nội địa. Chú trọng địa bàn thị trấn Lao Bảo, thành phố Đông Hà, huyện Cam Lộ và các khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển đối với mặt hàng đường cát nhập lậu, kiên quyết đấu tranh không để tình trạng quay vòng hóa đơn bán tài sản tịch thu để hợp thức hóa hàng nhập lậu”.
Cục QLTT cũng chủ động phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan, công an, chính quyền địa phương tăng cường trao đổi thông tin, phát hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện kinh doanh, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu trên tuyến Quốc lộ 9 về nội địa. Tiếp tục tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường cát cam kết thực hiện tốt các quy định của pháp luật, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tay cho vận chuyển, tàng trữ đường cát nhập lậu từ biên giới vào nội địa.