Tăng cường các giải pháp ổn định thị trường sau khi giá xăng dầu giảm mạnh

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên thị trường toàn tỉnh trong tháng 7 năm nay tăng 1,95% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng này tăng 5,51% và tăng 4,58% so với tháng 7/2021. Bình quân 7 tháng đầu năm, CPI tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm 2022. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ để làm giảm áp lực lạm phát những tháng cuối năm.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart (thành phố Ninh Bình).

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart (thành phố Ninh Bình).

Trong tháng 7, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh do tác động giảm thuế bảo vệ môi trường và biến động giảm từ giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng.

Đáng chú ý, giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh trung thu.

Theo khảo sát của Sở Công Thương cho thấy, giá thực phẩm đầu tháng 8 vẫn ở mức rất cao dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 4 lần. Điều đáng nói là, dù giá lợn hơi đã được điều chỉnh giảm khoảng 4.000-6.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn tại các chợ vẫn ở mức cao, bán ra ở mức từ 110.000-160.000 đồng/kg tùy loại.

Việc thịt lợn giữ ở mức cao khiến giá các loại thịt gia súc, gia cầm cũng "ăn theo" giá thịt lợn, giưỡ̉ mức cao: Thịt gà ta nguyên lông giá khoảng 130.000 đồng/kg tùy loại, đắt hơn trước 10.000 đồng/ kg; thịt cánh và đùi gà công nghiệp: 100.000 đồng/kg, đắt hơn trước 20.000 đồng/kg; thịt bò: 280.000 - 300.000 đồng/ kg; cá trắm con trên 5kg cắt khúc: 120.000 đồng/kg, cỡ nhỏ: 100.000 đồng/kg; cá biển cũng cao hơn trước khoảng 10.000 đồng/kg...

Cùng với đó, chỉ số nhóm hàng du lịch, dịch vụ ăn uống tăng cao thứ hai trong các nhóm hàng do nhu cầu tăng vào dịp hè. Chỉ số giá điện nước sinh hoạt lũy tiến tăng do nhu cầu sử dụng nhiều điện, nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng.

Đại diện Doanh nghiệp Hà Dũng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Mặc dù nền kinh tế đang phục hồi trở lại, song lượng tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa đạt mức như thời điểm trước dịch. Hiện nay, mặt hàng có doanh thu lớn nhất là nhóm đồ uống do nhu cầu giải khát vào mùa hè và lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã bắt đầu tăng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có nguyên liệu nhập khẩu như dầu ăn, sữa, thực phẩm công nghiệp... vẫn chưa có tín hiệu giảm giá.

Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, so với tháng 6/2022, thị trường giá cả trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể. 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức tăng 4,61%. Trong đó: nhóm lương thực tăng 1,28%, nguyên nhân do tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng dẫn đến giá các mặt hàng thuộc nhóm này đồng loạt tăng (giá bánh mỳ tăng 2,83%; giá mỳ sợi, phở tăng 5,25%; giá miến tăng 4,56%; giá bột ngô tăng 4,92%...).

Nhóm thực phẩm tăng 5,49% chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã 6 lần điều chỉnh tăng giá bán do giá nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng cao, tạo áp lực buộc các hộ chăn nuôi phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí, vì thế giá các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm liên quan đều tăng so với tháng trước như: giá nhóm thịt gia súc tăng 10,07% (giá thịt lợn tăng 12,67%; giá nội tạng động vật tăng 11,48%); giá nhóm thịt gia cầm tăng 5,63% (giá thịt gà tăng 4,94%; giá thịt gia cầm khác tăng 7,23%); giá nhóm thịt chế biến tăng 9,28%; giá trứng các loại tăng 4,54%; giá dầu, mỡ ăn và chất béo tăng khác 4,15%; giá nhóm sữa, bơ, phô mai tăng 4,12%...

Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,63%, một mặt do giá lương thực, thực phẩm tăng, mặt khác do du lịch của tỉnh đang từng bước phục hồi trở lại mạnh mẽ, số lượng khách du lịch tăng nhanh nên nhu cầu về ăn uống cũng tăng theo. Tiếp theo nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,24% do nhu cầu sử dụng các loại đồ uống của người dân tăng cao khi thời tiết nắng nóng nên giá các loại đồ uống cũng tăng theo (giá các loại đồ uống không cồn tăng 2,16%; giá rượu bia tăng 3,01%).

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,77% chủ yếu do giá nhóm nhà ở tăng 1,59% khi nhu cầu thuê nhà ở của người lao động trong các khu, cụm công nghiệp tăng cùng với giá vật liệu xây dựng tăng, giá nước sinh hoạt bình quân tăng 5,56%, giá điện sinh hoạt bình quân tăng 3,81%; nhóm đồ dùng gia đình tăng 1,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục lần lượt tăng nhẹ 0,04% và 0,01%.

Duy nhất 1 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 1,36% do sau 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp theo đà giảm của thế giới, giá xăng đã giảm 6,18%, giá dầu diezel giảm 4,02% kéo theo giá nhóm nhiên liệu giảm 6,02%. Hai nhóm còn lại giữ chỉ số ổn định gồm nhóm may mặc, mũ nón và giày dép và nhóm bưu chính viễn thông.

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, Quốc hội đã điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giảm giá xăng dầu trong nước, tuy nhiên, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn cao. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Đặc biệt, tăng cường quản lý Nhà nước đối với các loại hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-on-dinh-thi-truong-sau-khi-gia-xang/d2022081008196699.htm