Tăng cường các giải pháp thu ngân sách

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế trong nước nói chung, của tỉnh nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do vậy, kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm không cao. Để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023 cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu).

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu).

Nhiều khoản thu chưa đạt tiến độ

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu ngân sách đạt 6.008 tỷ đồng, đạt 33,3% dự toán HĐND giao, bằng 76,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách 5.806 tỷ đồng, đạt 38,6% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 82,2% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất 202 tỷ đồng, đạt 6,7% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 26,4% so với cùng kỳ. Trong đó, có 7/15 khoản thu đảm bảo tiến độ so với dự toán HĐND tỉnh giao (đạt trên 50%). Một số khoản thu đạt khá so với dự toán là: Thu từ quỹ đất công ích đạt 72%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 62,2%; thu từ hoạt động xổ số đạt 61,5%. So với cùng kỳ năm trước, có 6/15 khoản thu tăng. Còn lại 8/15 khoản thu chưa đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao và 9/15 khoản thu giảm so với cùng kỳ.

Đồng chí Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích các nguyên nhân tác động đến hoạt động thu ngân sách từ đầu năm đến nay, trong đó phải kể đến bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Bên cạnh những thuận lợi như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được đảm bảo, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: giá nguyên, vật liệu tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho lớn, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm sút…, hầu hết các doanh nghiệp trọng điểm trong tỉnh không đảm bảo dự toán giao, nộp ngân sách giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là Tập đoàn ô tô Thành Công...

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế như: Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng thuê đất trả tiền hàng năm bịảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/ NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã tác động lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và công tác thu NSNN của tỉnh.

Trước những khó khăn, thách thức, Cục Thuế tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, ngành Thuế đã kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã cụ thể hóa thành 6 nhiệm vụ trọng tâm và 13 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu, Cục Thuế và các Chi cục Thuế đã thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, nhất là những khoản nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp kéo dài qua nhiều năm đã được thu nộp vào NSNN, góp phần bù đắp nguồn thu sụt giảm. Xác định công tác quản lý nợ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, ngành Thuế đã duy trì việc thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu…, phấn đấu đạt mục tiêu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới chỉ tiêu của Tổng cục Thuế.

Cùng với đó, ngành Thuế đặc biệt coi trọng đổi mới, hiện đại hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và xây dựng các sản phẩm hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức điện tử nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả, tính tương tác giữa cơ quan thuế với người nộp thuế. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh thông qua hình thức điện tử nhằm đáp ứng xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế.

Đồng bộ các giải pháp

Đồng chí Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế nói chung và nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 nói riêng, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2023 đã được Tổng cục Thuế giao là 18.054 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) là 15.054 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 3.000 tỷ đồng.

Trong đó, chú trọng phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Toàn ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo các nghị quyết, nghị định của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân thực sự đi vào cuộc sống; tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; xác định các nguồn thu còn tiềm năng, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu.

Đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và đảm bảo 100% cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy trình. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nộp thuế.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-thu-ngan-sach/d20230803080115961.htm