Tăng cường cảnh giác với bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ đang bước vào chu kỳ bùng phát trở lại. Thời điểm sau Tết, học sinh đồng loạt đi học trở lại, dự báo số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 200 ca nhập viện điều trị.Tăng cường phòng bệnh ở trường học
Số trẻ nhập viện tăng cao
Sau Tết, vừa cho con đi gửi trẻ được 1 tuần, chị Nguyễn Thị Hồng Sâm ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) phát hiện con bị sốt cao, lười ăn, miệng có nốt phỏng. Chị đưa bé đi khám và được khuyến cáo nhập viện vì con đã mắc tay chân miệng.
“Lúc đầu cháu hay khóc quấy, lười ăn, sốt. Tưởng con bị viêm họng thôi, nhưng khi mang đi khám thì bác sĩ bảo cháu bị mắc tay chân miệng. Mà cháu sốt cao quá nên tôi cho con nhập viện điều trị nội trú luôn cho an tâm”- chị Sâm chia sẻ.
Hiện tại Khoa Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đang điều trị nội trú cho hơn 30 trường hợp bệnh nhi tay chân miệng. Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên số ca mắc bệnh thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bác sĩ Nguyễn Ái Thơ- Khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: Sau đợt bùng phát vào mùa thu năm trước, thời điểm này bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng cao trở lại.
Một trường hợp bệnh nhi tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh
“Hiện bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị chỉ mắc ở thể nhẹ. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải theo dõi kĩ và đưa đi điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng của bệnh như: Viêm cơ tiêm, phù phổi, tổn thương hệ thần kinh…”- Bác sĩ Thơ nói thêm.
Tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây, nhưng lại rất khó phòng vì chưa có vắc xin phòng bệnh chủ động. Biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng, đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
Biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh là loét miệng, vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, trẻ thường chảy nước miếng liên tục. Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 - 38oC…
Khi trẻ có những dấu hiệu trên cần đến khám ngay tại bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Có những trẻ bị sốt cao trên 39oC liên tục, đây là một trong những dấu hiệu gợi ý cần nhập viện điều trị.
Huyện Nghĩa Hành trung bình mỗi năm ghi nhận 50-60 ca mắc tay chân miệng. Nắm bắt được chu kỳ bùng phát của bệnh, từ sau Tết, ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các trường mầm non trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Rửa đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ bằng Cloramin B để phòng bệnh tay chân miệng
Tại trường mầm non thị trấn Chợ Chùa có hơn 300 cháu đang theo học tại 3 điểm trường, công tác vệ sinh, khử khuẩn luôn được đặt lên hàng đầu. Cô Nguyễn Thị Nhung- Hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Chợ Chùa chia sẻ: Ngày nào, nhà trường cũng chỉ đạo lau sàn nhà bằng Cloramin B 3-4 lần. Hằng tuần thì tất cả đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ đều phải được rửa khửa khuẩn và phơi khô sạch sẽ. Trường luôn triển khai các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng trên tinh thần cảnh giác cao độ.
Một khi bệnh xuất hiện ở trường, thì nguy cơ bệnh bùng phát vô cùng cao. Do đó, ngành y tế cũng đã tích cực phối hợp với các trường học giám sát sức khỏe của trẻ, thường xuyên nhắc nhở giáo viên, phụ huynh theo dõi, nếu trẻ có biểu hiện của bệnh thì phải cách ly ngay.
Y sĩ Đặng Thị Hồng Liên- Trạm Y tế thị trấn Chợ Chùa cho hay: Trạm phối hợp với từng trường khám định kỳ 2 lần/năm để tầm soát một số bệnh cơ bản ở trẻ. Đồng thời, luôn nhắc nhở cả giáo viên và người nhà rằng, khi trẻ có biểu hiện sốt, nổi nốt phồng ở miệng, tay, chân thì phải cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày, đề phòng bệnh lây cho các cháu còn lại ở lớp. Việc rửa tay bằng xà phòng cũng phải được thực hiện thường xuyên ở cả trẻ mầm non lẫn giáo viên.
Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng theo các bước quy định
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành Lê Văn Huynh cho biết: Thời gian sau Tết là thời điểm bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát mạnh. Nên hiện Trung tâm chỉ đạo các trạm cơ sở bám sát thực tế địa bàn, phối hợp với các trường mầm non theo dõi chặt chẽ sức khỏe của các cháu. Khi phát hiện ổ bệnh trong trường học thì thực hiện cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn ngay lập tức. Hóa chất khử khuẩn thì Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ và phân bổ về cho các Trạm Y tế.
Thực tế cho thấy bệnh tay chân miệng nếu không được phòng ngừa, giám sát, phát hiện và xử trí tốt thì môi trường ở trường mầm non, mẫu giáo chính là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm cho học sinh và trẻ nhỏ làm bệnh phát tán, lan rộng với những hậu quả biến chứng không lường trước được. Trong thời gian qua đã có hàng chục ngàn bệnh nhi mắc bệnh với các trường hợp bị tử vong. Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và đang có xu hướng bùng phát thành dịch nên cần được quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.