Tăng cường chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa chú trọng sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, các đơn vị văn hóa, thể thao đã cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lễ hội truyền thống Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa.

Lễ hội truyền thống Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi sản sinh làn điệu hò sông Mã, ngũ trò Viên Khê tái hiện trong sinh hoạt cộng đồng còn bảo lưu; quê hương của Đào Duy Từ - người mang theo và phát triển nghệ thuật tuồng ở “Đàng Trong”. Tỉnh đã sớm thành lập, duy trì hoạt động nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Giảm đơn vị sự nghiệp công

Những năm gần đây, các đơn vị trực thuộc ngành văn hóa-thể thao và du lịch Thanh Hóa tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, rà soát chức năng nhiệm vụ, tỉnh sáp nhập các đoàn nghệ thuật: Chèo, tuồng, cải lương, thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; sáp nhập Trung tâm văn hóa, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng thành Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Thanh Hóa.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: Giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp và các bộ phận, lãnh đạo, hành chính, kiện toàn các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các đợt tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, hướng hoạt động về cơ sở, bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Đi đôi với sản xuất, phát hành, phổ biến băng đĩa phim, phóng sự-tài liệu, video, clip, dịch, lồng tiếng, thuyết minh phim bằng tiếng dân tộc, trình chiếu các bộ phim Nhà nước đặt hàng hoặc sản xuất theo cơ chế xã hội hóa, các đội chiếu bóng lưu động bảo đảm 1.400 buổi chiếu phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, các xã vùng bãi ngang, hải đảo.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng chủ động xây dựng đề án, triển khai sáp nhập Đài Phát thanh-Truyền hình, Trung tâm Văn hóa, thể thao thành Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch cấp huyện. Theo đó, giảm gần 30 đơn vị sự nghiệp cấp huyện cùng chức danh lãnh đạo, nhân viên văn phòng, kế toán; sắp xếp đội ngũ theo hướng tinh gọn, phát huy năng lực, hiệu quả công tác.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch huyện Hà Trung Lê Thị Hằng cho biết: Các chức danh, viên chức bố trí theo vị trí việc làm, phù hợp chuyên ngành đào tạo. Các cán bộ, viên chức học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, định hình thói quen làm việc theo nhóm; quản lý, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất cung ứng dịch vụ công.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Trung Hoàng Văn Long ghi nhận: Sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập giảm đầu mối, chức danh lãnh đạo, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư tập trung, đồng bộ hơn, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ công, khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đầu tư thỏa đáng cho văn hóa

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận nhân dân chưa ngang tầm yêu cầu phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa phát triển chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng chiến lược phát triển lâu dài, nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa còn khó khăn. Một số địa phương, đơn vị phát triển văn hóa chưa gắn với phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động kinh tế chưa chú ý đến yếu tố văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết: Ngành chủ quản tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, con người; xây dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển du lịch, đưa du lịch văn hóa thành thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Nghị quyết số 17 cùng chương trình hành động tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Xác định văn hóa, con người Thanh Hóa là nền tảng vật chất, tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới bảo tàng, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, Cung văn hóa thiếu nhi, Công viên Văn hóa xứ Thanh…, tầm cỡ khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Bảo vật, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tất cả di tích đã xếp hạng được bảo vệ, phát huy giá trị hiệu quả.

Đồng thời, Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp xu thế thời đại, chú trọng phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh trong các vở diễn, chương trình nghệ thuật, xây dựng mô hình, đưa sân khấu truyền thống vào học đường. Tăng cường tổ chức các hoạt động nghệ thuật quần chúng, lưu động chiếu phim, triển lãm, thông tin cổ động về văn hóa, con người Thanh Hóa ở các địa phương, vùng, miền trong tỉnh, nhất là tác động mạnh mẽ tới thanh, thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, người lao động trong các khu công nghiệp ■

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tang-cuong-chat-luong-hoat-dong-cac-don-vi-su-nghiep-nganh-van-hoa-197163.html