Tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Phú Yên. Ảnh: PV

Sau 8 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp nước ta đạt được những kết quả nổi bật. Báo Phú Yên trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến xung quanh việc thực hiện đề án này trong thời gian tới. Ông Tiến cho biết:

- Quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Sau 8 năm triển khai đề án này, ngành Nông nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành giai đoạn 2013-2019 đạt trên 2,6%/năm; giá trị sản xuất tăng hơn 3%/năm; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỉ trọng lĩnh vực trồng trọt, tăng tỉ trọng lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp. Đặc biệt, nội bộ từng ngành có cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng các sản phẩm có lợi thế và thị trường như tôm, rau quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản...

Việt Nam hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất, liên kết với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

* Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung vào khâu nào, thưa ông?

- Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bắt buộc phải thực hiện đồng bộ giữa phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển bền vững thì phải tính đủ các khía cạnh, thời gian qua chúng ta đã làm khá tốt. Còn nâng cao giá trị gia tăng lại tập trung chủ yếu vào chế biến. Trong khi đó, thực tế hiện nay chế biến của nước ta chủ yếu xuất nguyên liệu thô.

Cùng với đó là nhà máy chế biến, hạ tầng kho bãi chưa được đầu tư và mở rộng nâng cấp với công nghệ cao. Cả nước có một vài doanh nghiệp đầu tư vào chế biến tinh như Dabaco, Vinamilk, TH…, nhưng tỉ trọng chế biến sâu vẫn chưa nhiều, chỉ khoảng 130 triệu tấn nguyên liệu/năm, xấp xỉ 30%. Sắp tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung làm theo chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu, quản lý vật tư đầu vào cho đến nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thì nông sản mới vào được nhiều thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cũng như sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Về phía cơ quan quản lý ngành, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; kịp thời thông tin các quy định mới của thị trường xuất khẩu, báo cáo thường xuyên biến động giá cả, tình hình cung cầu một số mặt hàng nông sản thiết yếu, có những giải pháp cân đối cung cầu, tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường tại Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Brazil… Và mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới.

* Vai trò của các địa phương như thế nào trong vấn đề này, thưa ông?

- Để từng bước đạt được mục tiêu này, cùng với Trung ương, các địa phương phải tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chính quyền các địa phương phải đảm bảo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, nhất là chế biến nông nghiệp. Như vậy sẽ kết nối hợp tác xã, hộ nông dân để có được một chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Khóm Đồng Din (huyện Phú Hòa) là một trong những nông sản đang được chế biến thành sản phẩm tiêu dùng tiện lợi giúp nâng giá trị cạnh tranh. Ảnh: THỦY TIÊN

Khóm Đồng Din (huyện Phú Hòa) là một trong những nông sản đang được chế biến thành sản phẩm tiêu dùng tiện lợi giúp nâng giá trị cạnh tranh. Ảnh: THỦY TIÊN

Hiện nay, sản xuất nông sản ngoài phục vụ 100 triệu dân trong nước, cộng với khoảng 30-50 triệu khách du lịch nên việc an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng tại chỗ rất quan trọng. Sau đó là tiến tới việc xuất khẩu nên bắt buộc phải tính đến việc truy xuất nguồn gốc, truy xuất mã vùng nuôi, truy xuất mã vùng trồng và theo một quy trình nhất định.

Để làm được việc này cần thực hiện tích tụ ruộng đất để tạo được quy mô về tỉ suất của sản phẩm theo vùng, đồng đều hơn, đảm bảo chất lượng hơn và dễ chế biến hơn. Về phía các doanh nghiệp, phải đi theo một chuỗi khép kín như kinh tế tuần hoàn thì mới nâng cao được giá trị gia tăng của nông sản Việt.

* Xin cảm ơn ông!

Sắp tới, ngành Nông nghiệp tập trung làm theo chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu, quản lý vật tư đầu vào cho đến nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thì nông sản mới vào được nhiều thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cũng như sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

THỦY TIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248005/tang-cuong-che-bien-sau-nang-cao-gia-tri-nong-san.html