Tăng cường chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ tài chính – ngân sách những tháng cuối năm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính–ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2020.
Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 10/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, từ đầu năm đến nay, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn... xảy ra trên diện rộng, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân, tình hình đến nay đã có chuyển biến rất tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý III/2020 đã phục hồi cao hơn quý II/2020 (2,62% so với mức 0,39%); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng giảm dần qua các tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ. Thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm dần, dự trữ ngoại hối tăng. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận định, hiện nay tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; mưa bão, lũ lụt liên tiếp ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN vẫn còn khó khăn.
Thu ngân sách đạt thấp, cân đối NSNN khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp so yêu cầu; việc triển khai một số chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 còn chậm. Việc chấp hành kỷ luật tài chính ngân sách có nơi, có lúc còn chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra vi phạm chế độ, chính sách về quản lý thu, chi ngân sách, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn NSNN.
Nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc trong những tháng còn lại của năm 2020 tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó chú ý:
Một là, khẩn trương hoàn thành các dự án, đề án, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi NSNN, tài chính DN, quản lý nợ công, quản lý sử dụng tài sản công... theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo thời hạn, chất lượng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách... trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập, không còn phù hợp.
Hai là, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.
Trong đó, giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã ban hành nhằm hỗ trợ cho DN và hộ kinh doanh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính thuế cho người dân và DN.
Đồng thời, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN theo quy định, bao gồm cả các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn nộp NSNN theo quy định của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 và Nghị định số 109/2000/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ; các khoản thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản, thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet, thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án phát sinh mới...
Đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan,...
Khẩn trương xử lý theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản thuế đã kê khai nhưng chậm nộp và các khoản thuế ấn lậu được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị thu vào NSNN. Phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.
Rà soát, phân loại, tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ thuế mới; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của nhà nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy chế, quy trình quản lý thuế của các cơ quan Thuế, Hải quan.
Ba là, tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN và tài sản công.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước, các Vụ Đầu tư, Hành chính sự nghiệp và các đơn vị có liên quan trong Bộ tăng cường phối hợp theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN của các bộ, ngành và địa phương. Kịp thời đề xuất giải pháp về tài chính - ngân sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trình Bộ xem xét, quyết định (đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ) hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ), để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện chi thường xuyên của các đơn vị sử dụng ngân sách trong những tháng cuối năm 2020; nhất là việc rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi và tiết kiệm triệt để các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí có được từ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể lương và các khoản có tính lương) để đảm bảo cân đối NSNN và chi cho mục tiêu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định.
Tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN, đảm bảo đúng chế độ quy định, không gây phiền hà cho đơn vị sử dụng ngân sách. Thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn về việc điều chỉnh dự toán và xử lý kinh phí cuối năm, kiên quyết cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã giao trong dự toán chi NSNN năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương (bao gồm cả dự toán được cấp có thẩm quyền giao bổ sung trước ngày 30/9/2020), nhưng đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, trừ trường hợp được phép chuyển nguồn sang năm 2021. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Bốn là, đảm bảo cân đối NSNN các cấp; tập trung công tác huy động vốn; quản lý chặt chẽ nợ công. Theo đó, Kho bạc Nhà nước, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Vụ NSNN và các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng phương án điều hành NSNN, đảm bảo tính thanh khoản của quỹ NSNN trong mọi tình huống. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ và sử dụng ngân quỹ nhà nước cho cân đối ngân sách trung ương trong những tháng cuối năm 2020 phù hợp với tiến độ giải ngân vốn và tín hiệu thị trường.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện thu, chi của ngân sách địa phương; kịp thời trình Bộ xử lý những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc cân đối ngân sách địa phương, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội.
Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương, bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Năm là, chủ động nguồn hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Giao Tổng cục Dự trữ nhà nước thực hiện rà soát lại nguồn hàng, nhất là lương thực; kịp thời tham mưu, trình Bộ trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ cho các địa phương trong vùng bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt và cho các lực lượng chức năng để thực hiện nhiệm vụ.
Sáu là, tăng cường quản lý giá, thị trường. Cục Quản lý giá phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn NSNN, sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Trường hợp cần xem xét điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý về giá, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tính toán, đánh giá liều lượng, mức độ và thời điểm phù hợp để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá theo lộ trình giá thị trường, nhất là đối với một số mặt hàng quan trọng thiết yếu để tránh tác động đến an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Bảy là, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Cục Tài chính DN theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các DN theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, phấn đấu thu ở mức cao nhất số thu từ cổ phần, thoái vốn nhà nước tại DN theo Nghị quyết Quốc hội.
Tám là, tăng cường công tác quản lý tài chính nội ngành. Cục Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị dự toán thuộc Bộ tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và giải ngân dự toán, kế hoạch vốn được giao năm 2020 theo đúng quy định và yêu cầu của Bộ tại các văn bản số 7038/BTC-KHTC ngày 11/6/2020, số 8281/BTC-HCSN ngày 08/7/2020 và số 8245/BTC-KHTC ngày 14/7/2020.
Trong đó, khẩn trương rà soát lại danh mục các dự án đầu tư công, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2020 và những năm trước chuyển sang theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên theo dự toán được giao, kể cả các khoản chi cho các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, đề án theo các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện rà soát các nhiệm vụ, dự toán kinh phí thường xuyên còn lại và các khoản bổ sung trong năm 2020 để có biện pháp tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2020.
Thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công để quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định. Thực hiện quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.
Chín là, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 03/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với công chức, viên chức; tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý cán bộ và thực thi công vụ; chống chạy chức, chạy quyền tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.