Tăng cường chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ tham gia cấp ủy của cán bộ nữ
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy vẫn thấp hơn mục tiêu, do định kiến giới và một số chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi.
Ngày 27/12, Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp ủy của cán bộ nữ hướng tới đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ai-len thông qua Chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP.
Theo đó, nghiên cứu nhằm tìm hiểu thực trạng, xác định các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy đối với tất cả các địa phương, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho công tác quy hoạch cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy vẫn thấp hơn mục tiêu, do định kiến giới và một số chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi. Để thay đổi thực trạng này, cần xây dựng các chính sách linh hoạt, thúc đẩy sự bình đẳng và xóa bỏ định kiến giới. Đặc biệt, sự chủ động và kiên quyết của cấp ủy và người đứng đầu trong chỉ đạo là yếu tố then chốt để nâng cao sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “So với mục tiêu và yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TƯ thì tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào hệ thống chính trị nói chung và cấp ủy Đảng nói riêng vẫn chưa đạt được. Việc phân tích cụ thể hoạt động triển khai công tác cán bộ nữ ở các địa phương khác nhau là rất hữu ích để xác định các biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy.”
Kết quả nghiên cứu thực tiễn từ hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Lâm Đồng cho thấy một số chính sách còn thiếu sự linh hoạt và nhạy cảm giới, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy. Có tới 25,6% đảng viên tham gia khảo sát nhận định một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy thấp là do “chính sách chưa tạo điều kiện cho cán bộ nữ”. Việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho cán bộ nữ tham gia đào tạo chưa kịp thời, khiến cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn hơn so với cán bộ nam trong việc chuẩn bị các điều kiện cho việc được đề bạt, bổ nhiệm. Hơn nữa, một số chỉ tiêu quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ còn mang tính định hướng, chưa bắt buộc và không có quy định xử lý kèm theo đã tạo ra những hạn chế trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ.
Các quy định chung về tiêu chí đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ còn chưa linh hoạt, chưa mang tính nhạy cảm giới. Trong đó, quy định về hình thức học tập trung hay tại chức gắn với độ tuổi là một trong những rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, khi độ tuổi học tập trung trùng với thời gian mà nhiều cán bộ nữ sinh con và nuôi con nhỏ.
“Việc đảm bảo phụ nữ có cơ hội bình đẳng để tham gia vào chính quyền địa phương là rất quan trọng để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo nữ có trình độ và kinh nghiệm.” - bà Sabina Stein, Trợ lý đại diện thường trú, Trưởng phòng quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam phát biểu tọa hội thảo, “Thiết lập môi trường thuận lợi, tạo cơ hội để phụ nữ thăng tiến trong chính trị sẽ mở đường cho một nền quản trị toàn diện và hiệu quả hơn ở Việt Nam.”
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra những khuyến nghị về chính sách nhằm tăng cường và nâng cao tỷ lệ tham gia cấp ủy của cán bộ nữ trong thời gian tới đây.