Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại một điểm kinh doanh ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN
Những tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Các hình thức và thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát từ đây đến cuối năm.
Phức tạp chống buôn lậu
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, trong những tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt nổi lên là tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa do nước ngoài sản xuất, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn hàng hóa.
Các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Thủ đoạn hoạt động chủ yếu của các đối tượng là trà trộn hàng hóa hợp pháp với hàng hóa bất hợp pháp, sử dụng ô tô hết niên hạn sử dụng, ô tô bán tải chạy tốc độ cao, lợi dụng đêm khuya để vận chuyển hàng hóa trên các tuyến giao thông quốc lộ 1, quốc lộ 25, quốc lộ 29 đi qua địa phận Phú Yên. Ngoài ra, tình hình khai thác, mua bán khoáng sản, lâm sản trái phép diễn biến rất phức tạp.
Tiêu biểu đầu năm 2019, lực lượng công an tỉnh phát hiện đối tượng Đỗ Thị Kim Loan, trú huyện Đông Hòa, có hành vi mua bột ngọt nhập lậu do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ rồi đưa về Phú Yên đóng gói bao bì, giả các thương hiệu nổi tiếng.
Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện gần 100kg bột ngọt đã được sang chiết vào bao bì mang các thương hiệu Ajinomoto, Miwon (loại 140g và 400g); 3 bao bột ngọt lớn khoảng 150kg đều có nguồn gốc từ Trung Quốc cùng nhiều bao bì, trang thiết bị phục vụ việc làm bột ngọt giả.
Tương tự, tại các xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), Phước Tân (huyện Sơn Hòa), Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân)…, lực lượng công an, kiểm lâm phát hiện nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép; qua đó thu giữ trên 51m3 gỗ quý hiếm, gần 200 khúc gỗ tròn, 310 cây cồng tía.
Các đối tượng lợi dụng địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa để tàng trữ, vận chuyển lâm sản bằng nhiều thủ đoạn rất tinh vi, hành vi manh động; sẵn sàng bỏ trốn, chống trả khi bị phát hiện. Do vậy, việc phát hiện, xử lý rất khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện và xử lý 284 vụ vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại, với các mặt hàng chủ yếu là mỹ phẩm, sữa nước, bia, xăng dầu, hàng điện tử, điện gia dụng, hóa chất, phụ tùng xe, thuốc lá lậu, đồ chơi trẻ em…
Qua đó, đơn vị này đã phối hợp xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 696 triệu đồng. Các lực lượng thuộc Công an tỉnh phát hiện 107 vụ vi phạm; xử lý 59 vụ, phạt tiền trên 626 triệu đồng; chuyển xử lý hình sự 12 vụ với 16 đối tượng…
Tăng cường phối hợp quản lý
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường đều ký kết với các lực lượng công an, biên phòng, các địa phương trong việc phối hợp thường xuyên trao đổi thông tin và chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng; tăng cường kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn địa bàn. Việc phối hợp này đã giúp các lực lượng thực hiện nắm bắt và xử lý các đối tượng vi phạm đạt hiệu quả cao.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương, Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh, những tháng cuối năm là thời gian cao điểm của các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp và manh động hơn. Do vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác quản lý địa bàn; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để chủ động triển khai kế hoạch chuyên đề có hiệu quả.
Đặc biệt, các lực lượng chức năng cần chú trọng kiểm tra, xử lý các mặt hàng có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; mất an toàn vệ sinh thực phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, lâm sản, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc lá…
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch ngăn chặn, phòng chống hàng hóa gian lận nhãn mác, giả xuất xứ Việt Nam với mục đích bảo vệ sản xuất trong nước, uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng và chống thất thu thuế.
Theo đó, ngành Công an, Bộ đội Biên phòng điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; quản lý việc xuất nhập cảnh, ngăn chặn mang vác vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam qua biên giới. Cơ quan thuế kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất thường.
Bộ Công thương rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước. Ngành quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam...
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương và các lực lượng liên quan; tăng cường nắm tình hình cơ sở, quản lý chặt chẽ địa bàn phụ trách; đồng thời xây dựng các đợt thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề để phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.