Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra, tập trung vào nhóm ngành hàng: gia dụng, điện tử, điện thoại di động, rượu - bia - nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc, thực phẩm... Các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp phát hiện, xử lý và ngăn chặn các vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật.
Điển hình trong quý III/2019, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT) phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành TP Hòa Bình kiểm tra xe ô tô BKS 28C - 023.72 do ông Vì Văn Nhổ, xóm Chiềng Sại, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) là chủ phương tiện có hành vi vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng; Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hòa Bình kiểm tra hoạt động bán hàng online, phát hiện 726 bao thuốc lá nhập lậu đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1586/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Phạm Văn Mạnh, SN 1994, địa chỉ xóm Tân Tiến, xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, phạt tiền 85 triệu đồng và tịch thu 726 bao thuốc lá điếu trị giá gần 24 triệu đồng; kiểm tra lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu Phan Mai Hương thuộc Công ty TNHH MTV Phan Mai Hương, địa chỉ xã Phong Phú (Tân Lạc) đối với hành vi vi phạm hành chính về chất lượng trong việc bán xăng RON 95-IV có chất lượng không phù hợp với "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng nhiên liệu điezen và nhiên liệu sinh học" QCVN 1:2015 BKHCN (trị số Octan vượt so với quy định). Chánh Thanh tra Sở KH&CN đã xử phạt vi phạm hành chính 98 triệu đồng.
Tính đến trung tuần tháng 10, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.064 vụ, tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế gần 9,8 tỷ đồng, trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính trên 4,3 tỷ đồng, tiền thu phạt bổ sung và truy thu thuế trên 5,3 tỷ đồng, còn lại là tiền bán thanh lý, hàng tịch thu. Tiêu biểu là lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 65 vụ vi phạm, thu nộp NSNN gần 600 triệu đồng; lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 818 vụ, thu nộp NSNN gần 1,7 tỷ đồng, cơ quan Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 81 doanh nghiệp, thu nộp NSNN gần 7 tỷ đồng...
Đồng chí Trương Thanh Sơn, Cục phó Cục QLTT cho biết: Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã và đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường vừa kết hợp phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại, dịch vụ để tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh nắm bắt, hiểu và chấp hành quy định. Lực lượng QLTT còn tích cực phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Ban quản lý chợ các huyện, thành phố vận động, tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Phổ biến số điện thoại của lực lượng QLTT, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh cũng thường xuyên phối hợp vơícác ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin tạo mạng lưới thông tin rộng rãi, chất lượng. Thời điểm cuối năm, các ngành thành viên tập trung kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng.