Tăng cường chống kinh doanh hàng giả gắn mác Việt Nam

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nhãn mác hàng hóa tại một siêu thị điện máy ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Thời gian qua, cùng với hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Lợi dụng điều này, nhiều sản phẩm sản xuất tại các nước đã gắn mác “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm những đối tượng cố tình nhập lậu hàng hóa qua biên giới đưa vào nội địa rồi gắn mác “Made in Vietnam” để lừa dối người tiêu dùng.

Phức tạp hàng giả “Made in Vietnam”

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian qua, các lực lượng chức năng cả nước liên tục phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa ghi “Made in Vietnam”, cùng với mã vạch, địa chỉ của một số doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, nhiều loại hàng hóa được các thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và nhập khẩu về nước, nhưng lại thể hiện trên nhãn mác là hàng sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, phổ biến nhất là các mặt hàng điện tử, gia dụng, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, trái cây, rau củ…

Ông Nguyễn Quốc Phong, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh - cơ quan thường thực của Ban chỉ đạo 389 tỉnh) cho biết: Các thủ thuật gian lận điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó dán nhãn mác của Việt Nam để tiêu thụ và xuất đi các nước khác. Với những sản phẩm quần áo, túi xách, giày dép, các đối tượng chỉ cần cắt mác thật, gắn mác giả của các thương hiệu nổi tiếng, có dán thêm nhãn “Made in Vietnam”.

Tuy nhiên, khi truy xuất thì đây chỉ là hàng hóa trôi nổi, hàng Trung Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Còn với những mặt hàng cao cấp như đồ điện, điện tử thì có thủ đoạn tinh vi hơn như giả mạo bao bì, dán chồng nhãn thể hiện xuất xứ lên sản phẩm... Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường đang tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; tập trung vào các nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách, hàng điện tử, gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Các hành vi gian lận thương mại, giả nguồn gốc xuất xứ cũng đã gây thất thu ngân sách nhà nước không nhỏ.

Mạnh tay xử lý

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa ở huyện Sông Hinh, chia sẻ: Thời gian qua, tôi ưu tiên mua và sử dụng các loại hàng hóa sản xuất trong nước vì tin tưởng vào các doanh nghiệp Việt. Thế nhưng, gần đây hàng hóa Việt Nam đang bị làm giả quá nhiều khiến tôi hoang mang. Rất mong các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay để chúng tôi yên tâm hơn khi ủng hộ hàng Việt.

Theo bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phú Yên, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc gắn nhãn “hàng Việt Nam”, “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước. Do vậy, người tiêu dùng không có căn cứ nào để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam”. Phần lớn người dân đang tự nhận biết hàng Việt trên cơ sở tin tưởng vào các thương hiệu hàng hóa. Do vậy, các ngành chức năng cần sớm hoàn thiện quy định về tiêu chí dán mác “Made in Vietnam” cho hàng hóa sản xuất trong nước để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo tất cả các lực lượng liên quan, gồm các ngành Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Thuế, Hải quan, KH-CN cùng các địa phương tăng cường nắm bắt địa bàn, triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa. Trong đó, riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh không buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Mục tiêu của đợt kiểm tra này là tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Hoạt động kiểm tra hàng giả nhãn mác Việt Nam sẽ được các lực lượng triển khai thường xuyên, liên tục nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần chống thất thu thuế.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/229316/tang-cuong-chong-kinh-doanh-hang-gia-gan-mac-viet-nam.html