Tăng cường chống rét cho cây trồng
ĐBP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rét đậm, sương muối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ðể giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo năng suất cây trồng, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, đặc biệt là các trà lúa đông xuân và cây vụ đông.
Người dân phường Sông Ðà (TX. Mường Lay) làm vòm che chống rét, sương muối cho rau vụ đông.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân 2019 - 2020. Tại một số huyện, người dân đã bắt đầu gieo cấy trà sớm.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Nậm Pồ dự kiến gieo cấy 177,46ha lúa trên địa bàn các xã: Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn, Chà Cang, Pa Tần, Nà Hỳ, Nà Khoa, Nậm Chua. Do đặc điểm của tiểu vùng khí hậu, hàng năm huyện Nậm Pồ đều đẩy lịch thời vụ gieo cấy sớm hơn khung thời vụ của tỉnh từ 10 - 15 ngày để tránh rét cho cây lúa.
Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Do năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, có thể xảy ra rét hại, do vậy Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã định hướng cho nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Ðồng thời, thông báo nông dân đẩy lịch thời vụ gieo cấy sớm hơn, tập trung gieo trà sớm và trà chính vụ, hạn chế gieo cấy trà muộn để tránh rét. Gieo cấy sớm sẽ đảm bảo tỷ lệ nảy mầm của hạt giống; mầm lúa phát triển tốt hơn trong giai đoạn đầu của chu kỳ sinh trưởng. Người dân cần chủ động chuẩn bị tốt công tác phòng, chống rét cho mạ và lúa như: Che phủ nilon cho mạ; tận dụng tro bếp, sử dụng phân chuồng hoai mục, phân xanh… để bón lót cho lúa. Ðến nay, toàn huyện có khoảng 167,46ha hoàn thành khâu làm đất, chuẩn bị gieo cấy; diện tích trà sớm đã tiến hành gieo cấy ước khoảng 51,46ha.
Tại huyện Tuần Giáo đến trung tuần tháng 12 đã gieo cấy 200ha lúa đông xuân trà sớm tại các xã: Quài Nưa, Quài Tở, Quài Cang và thị trấn Tuần Giáo. Ngay từ đầu vụ, UBND huyện Tuần Giáo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho lúa đông xuân. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, những diện tích gieo xong gặp rét, cần tăng cường sức đề kháng và giữ ấm cho lúa bằng cách dùng tro bếp hoặc phân chuồng hoai mục trộn với phân vô cơ như lân, kali bón đều trên mặt ruộng. Sau khi lúa được 3 - 4 lá tiến hành tỉa giặm. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới 15oC thì ngừng tỉa giặm, không bón thúc đạm cho lúa. Anh Lò Văn Vui, bản Ngúa, xã Quài Tở cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi gieo cấy hơn 3.000m2 lúa. Năm nay, tôi triển khai làm đất sớm, gieo cấy sớm hơn mọi năm để tránh rét. Theo hướng dẫn của khuyến nông xã, tôi đã chuẩn bị tro bếp, nilon... để sẵn sàng chống rét cho cây lúa. Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị số lượng thóc giống nhiều hơn mọi năm đề phòng trường hợp lúa bị chết rét để gieo cấy lại.
Cùng với lúa đông xuân, đối tượng cây trồng được cơ quan chuyên môn đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống rét là rau vụ đông. Sau vụ lúa mùa, cánh đồng khu vực cầu Pắc Nậm (xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) được nông dân dọn sạch gốc rạ, làm cỏ, lên luống trồng các loại rau, củ vụ đông. Ðầu tháng 12, một số loại rau như: Su hào, bắp cải, đậu hà lan... đã cho thu hoạch; thời điểm này, người dân xã Pom Lót đang triển khai trồng các lứa rau mới để phục vụ tết Nguyên đán 2020. Theo kinh nghiệm của những hộ trồng rau lâu năm, những ngày trời rét, cây rau cần được “giữ ấm”, nếu không rất dễ bị táp lá, bệnh sương mai. Ðể bảo vệ rau, trước đợt rét người dân bón thêm phân, phủ tro khắp luống; mỗi buổi sáng tưới nhẹ nước để rửa trôi lớp sương bám trên lá. Sương trên lá suốt đêm, nhiệt độ xuống thấp nên rất lạnh, nếu không rửa lớp sương đi, lá non sẽ bị táp, đến trưa có nắng là cây héo rũ, úa vàng.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch, người dân khẩn trương thu hoạch đúng lứa để đảm bảo năng suất, tránh thiệt hại; nên sử dụng rơm, rạ phủ luống, làm vòm che cho rau vụ đông. Ðồng thời tăng cường bón phân, tưới nước đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu. Vụ đông là vụ rau quan trọng nhất trong năm, hộ trồng rau nào cũng mong muốn có một vụ rau năng suất, chất lượng phục vụ dịp tết nên công tác phòng, chống rét cho rau được bà con chú trọng thực hiện.