Tăng cường cọ xát, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Những ngày này, các trường THPT cả nước đang tổ chức ôn thi, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài thi, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi THPT năm 2021 đạt kết quả cao.
Cuối tháng 4/2021, Trường THPT Trương Định (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành các nội dung dạy học theo chương trình lớp 12 để tập trung ôn tập cho học sinh, chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Sau khi có đề thi tham khảo, các thầy cô giáo đã có những kế hoạch cụ thể để định hướng trọng tâm kiến thức, chủ đề ôn tập cho học sinh.
Thầy Lê Việt Dương- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, trường đã có kế hoạch tổ chức học tập trong bối cảnh “bình thường mới” để cung cấp kiến thức cho học sinh. Cụ thể, nhà trường đặt ra 3 phương án dạy học để ứng phó với tình hình dịch bệnh: Dạy học trực tiếp, dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến và dạy trực tuyến hoàn toàn. Dù trong điều kiện nào, học sinh cũng được tiếp nhận kiến thức đầy đủ, học đúng theo thời khóa biểu.
Để sẵn sàng cho học sinh thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã định hướng chuyên môn cho giáo viên, khu trú, khoanh vùng các kiến thức cần thiết để học sinh ôn tập hàng ngày theo chủ đề, chủ điểm. Kiến thức chủ đề ôn theo tiết, tuần, thậm chí, có phần xác định theo tháng. Nhà trường cũng xây dựng các tiết tự chọn, yêu cầu thầy cô thực hành luyện tập, ôn lại kiến thức giảng dạy trong suốt thời gian dạy online.
Ngày 27/4, trường đã tổ chức thi học kì 2 như một kì thi thử tốt nghiệp THPT để các em làm quen với kĩ năng làm bài. Kết quả của kì thi này sẽ giúp nhà trường phân loại học sinh, có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém. Ngày 11 và 12/5 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 trên toàn thành phố, học sinh nhà trường tiếp tục có cơ hội được cọ xát thêm lần nữa.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh, sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhà trường cũng đã sẵn sàng chuyển sang trạng thái ôn thi trực tuyến cho học sinh- thầy Dương chia sẻ.
Tại Trường THPT Yên Châu (Sơn La), đến thời điểm này, cơ bản các nội dung giáo dục chính khóa đã hoàn thành, các giáo viên đang tập trung ôn tập cho học sinh. Các thầy cô chú trọng luyện giải đề cho học sinh bám sát theo nội dung phân phối chương trình, theo đề thi tham khảo.
Thầy hiệu trưởng Phạm Minh Thế cho biết: Ngay từ đầu năm học, song song với chương trình học chính khóa, Trường đã có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12, bố trí giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn vững; phân hóa học sinh để có phương pháp phù hợp, nhất là các nhóm học sinh yếu kém.
Đối với số học sinh có học lực từ trung bình trở lên, ngoài việc ôn tập những kiến thức cơ bản, giáo viên còn khuyến khích các em thử sức với bài tập nâng cao. Số học sinh còn lại, nhà trường tổ chức dạy kèm thêm buổi tối và ngày nghỉ để củng cố kiến thức.
Những ngày cuối tháng 4, thầy trò Trường THPT Thạch Kiệt (Phú Thọ) đang tập trung ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với đặc thù có đến 70% học sinh là con em các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, việc hỗ trợ học sinh ôn tập được nhà trường và các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm.
Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mặc dù chất lượng đầu vào thấp, bình quân 2,34 điểm/môn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục của nhà trường đã được nâng lên qua từng năm.
Để hoàn thành mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy từng bộ môn đảm bảo thời gian hoàn thành chương trình theo quy định. Đồng thời, triển khai việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp phù hợp với nguyện vọng và học lực của học sinh.
Hiện nhà trường đã tổ chức thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 theo hướng dẫn của Sở nhằm kịp thời rà soát, đánh giá chất lượng học sinh. Từ đó, phân chia các em theo từng nhóm học lực và giao trách nhiệm cho giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh, đảm bảo kiến thức trước khi bước vào kỳ thi.