Tăng cường công nghệ chống gian lận

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này nhấn mạnh, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Thị trường TMĐT Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với quy mô ước đạt 52 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, với gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến, TMĐT ở Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khi tình trạng gian lận TMĐT bùng phát với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Kết quả khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường; 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả, hàng nhái. Tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ trên các trang mạng xã hội diễn ra mà trên các sàn TMĐT có uy tín như Shopee, Lazada, TikTok...

Tổng cục Quản lý thị trường dự báo, trong khoảng 2 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề gian lận trên thị trường TMĐT tại Việt Nam.

Mặc dù, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chống gian lận, lùa đảo trên thị trường TMĐT nhưng tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí cả hàng cấm vẫn được mua bán rất tràn lan trên các sàn TMĐT. Các chuyên gia cảnh báo, việc tăng cường nhiều giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật để lành mạnh hóa môi trường TMĐT là vô cùng cần thiết.

Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường TMĐT. Bởi, ứng dụng AI đã chứng minh khả năng phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, cũng như giúp bảo mật thông tin người dùng trong giao dịch TMĐT.

Cụ thể, AI được sử dụng để xác định và xác minh danh tính của người mua khi họ thực hiện giao dịch trực tuyến, bao gồm cả việc kiểm tra dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt, giọng nói... giúp ngăn chặn đánh cắp thông tin và gian lận tài khoản. Các công nghệ nhận dạng giúp đảm bảo rằng người thực hiện giao dịch là chủ sở hữu hợp pháp của tài khoản.

Các hệ thống AI cũng có thể tự động phát hiện và ngăn chặn các hành vi giả mạo, bao gồm việc sử dụng thông tin đăng nhập hoặc thẻ tín dụng của người dùng một cách trái phép. Cùng với đó, AI có thể phân tích hành vi người dùng và phát hiện gian lận thanh toán thông qua những mẫu hành vi bất thường, như một tài khoản thực hiện nhiều giao dịch lớn trong thời gian ngắn hoặc sử dụng nhiều thẻ tín dụng khác nhau...

Đặc biệt, AI giúp tự động hóa quy trình kiểm duyệt sản phẩm và nội dung đăng tải trên các nền tảng TMĐT, giúp người tiêu dùng phát hiện hàng giả, hàng nhái bằng cách phân tích và so sánh hình ảnh sản phẩm, mô tả, và giá cả với dữ liệu của hàng hóa chính hãng.

Rõ ràng, ứng dụng AI hiệu quả có thể giúp các sànTMĐT tăng cường an ninh, giảm thiểu rủi ro gian lận, và cung cấp trải nghiệm mua sắm an toàn hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, vì còn nhiều hạn chế trong hạ tầng công nghệ, nhân lực, chi phí, nên các ứng dụng này chưa được áp dụng rộng rại trên các sàn giao dịch.

Thiết nghĩ, để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trên nền tảng không gian số, Chính phủ cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT, nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ trong phòng, chống gian lận thương mại; tăng cuờng chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-cong-nghe-chong-gian-lan-post476491.html